Home Bài Viết Sự Cứu Rỗi Vĩ Đại

Sự Cứu Rỗi Vĩ Đại

by Ban Biên Tập
30 đọc

Kinh thánh: Công vụ các sứ đồ 4:12 “Chẳng có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác, vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.”

Dẫn nhập:

Ở vào kỷ nguyên khoa học xã hội vô cùng phát triển như ngày nay, ai ai cũng phải nhìn nhận rằng sự khôn ngoan và khả năng con người tiến bộ không ngừng trong mọi lĩnh vực khoa học, kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự v.v..Để thay đổi việc đi bộ bằng đôi chân thì ngày nay con người dùng xe hơi, tàu thủy, máy bay… Thay vào lối sống ăn lông ở lỗ, con người ở những ngôi nhà cao chọc trời với đầy đủ tiện nghi, vũ khí súng đạn cũng trở nên vô cùng hiện đại… Hơn nữa, con người còn nuôi hy vọng vượt khỏi trái đất đi tìm những nơi lý tưởng hơn cho sự sống bằng những tiến bộ trong khoa học kỹ thuật. Còn biết bao nhiêu công trình đang chuẩn bị để thực hiện do khả năng khối óc của con người sáng tạo không ngừng. Dù con người có khả năng tuyệt vời như vậy nhưng có một điều không thể làm được đó là Sự Cứu Rỗi. Và thật thế, trước sự cứu rỗi con người đành bó tay, đúng như lời Đức Chúa Giê-xu phán: “Đức Chúa Giê-xu ngó môn đồ mà phán rằng: Điều đó loài người không thể làm được, song Đức Chúa Trời làm mọi việc đều được”, Ma-thi-ơ 19:26.

1/SỰ CỨU RỖI LÀ MỘT NHU CẦU THIẾT YẾU

Ngay từ đầu, chúng ta nên hiểu rõ chữ “cứu rỗi” dùng ở đây nghĩa là gì? Ông Webster tùng giải thích “sự cứu rỗi” là: (1) Hành động cứu vớt hoặc giải phóng; giữ gìn khỏi hủy diệt hoặc tai họa. (2) Thần học: Giải thoát khỏi ách tôi mọi cùng các hiệu quả của tội lỗi và sự chết đời đời.

Thức ăn cần cho cơ thể thế nào thì sự cứu rỗi cần cho linh hồn cũng thể ấy và còn cần gấp triệu lần hơn, vì thân thể không được dinh dưỡng bằng thức ăn thì sẽ chết, cũng vậy nếu linh hồn không được giải thoát thì cũng sẽ chết. Ê-xê-chi-ên 18:20 “Linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết”.

Chúa Giê-xu giáng sinh với mục đích cứu dân mình ra khỏi tội (Ma-thi-ơ 1:21). Vậy tội lỗi là gì? Trong nguyên văn Hy Lạp chữ tội là “Hamrtia” được sử dụng trong môn tác xạ (bắn) có nghĩa là trật mục tiêu. Như vậy, tội lỗi là sai trật mục tiêu của cuộc sống.

Nhạc sĩ Trọng Qúy có tác phẩm “Trước ngày hội bắn”, lời bài hát thật thú vị xin trích một đoạn như sau:

.. “Anh sao không nhớ sáng mai bắn tập rồi sao?

Ngày mai anh bắn ra ngoài thì hoa em sẽ tặng người bản bên..

Hỡi cô nàng mà anh yêu mến

Nếu mà đạn kia anh bắn cả ba viên trúng vòng mười

Thì hoa em sẽ là người nào đây?..

Ngày mai anh quyết thi tài

Cả ba viên trúng vòng mười thì đây em sẽ là người của anh”

Nếu người lính mà không lo tập luyện trước ngày hội thi bắn đạn thật, thì làm sao có thể đến ngày mai thi bắn để đưa ba viên đạn vào vòng mười được, cô bạn gái nhắc nhở, cậu ta thực hiện như lời cô, thì ngày mai kết quả ba viên đạn đưa vào đúng vòng mười thì chắc chắn chính cô là món quà quý giá nhất dành cho cậu.

Thưa các bạn! trật mục tiêu của con người là sống trong sự xa cách mối tương giao thờ phượng Đấng Tạo Hóa, từ đó con người cứ sống trong loạn nghịch chống lại Thiên Chúa và hậu quả được nhắc đến trong sách Rôma 5:12 “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi đã vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội.” Rôma 3:23 “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu hụt sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.” Rô ma 6:23 “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus-Christ, Chúa chúng ta.”

Sự cứu rỗi là nhu cầu thiết yếu cho tất cả mọi người không phân biệt màu da chủng tộc ngôn ngữ giai cấp. Chúa Cứu Thế Giê-xu vào đời đem Tin Lành cho nhân loại, Đức Chúa Trời trở thành con người mới cứu được con người, chính vì vậy nên bà Ma-ri đặt tên cho con trai mình là Giê-xu, vậy Giê-xu là nghĩa gì? Giê-xu là tiếng Hy Lạp đồng nghĩa với Giô-Suê trong tiếng Hê-bơ-rơ Do Thái có nghĩa là Giê-hô-va là sự cứu rỗi, Giê-hô-va là danh xưng của người Do Thái về Đức Chúa Trời như người Việt nam chúng ta xưng là ông Trời. Tin Lành Giăng 1:14 “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật, chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của con một đến từ nơi Cha.” Christ có nghĩa là Đấng Cứu Thế vua trên muôn vua.

Đã biết rằng sự cứu rỗi là nhu cầu thiết yếu nhưng trong chúng ta vẫn có người còn đang phân tâm và tự hỏi rằng “ Sự cứu rỗi có chắc chắn không? Không biết mình tin Chúa mà sau khi chết có được cứu không? Nhưng rồi cũng có người nói rằng “Phải chăng con người có đủ khả năng làm nên sự cứu rỗi? Vì đã có giáo chủ đã từng tuyên bố: “Hỡi chúng sinh hãy tự mình thắp đuốc lấy mà đi”. Con người không thể làm nên sự cứu rỗi được, mặc dù nó là nhu cầu thiết yếu, mọi nỗ lực của con người tìm đến Đức Chúa Trời bằng sức riêng như làm lành lánh dữ, tu thân tích đức, ăn chay ép xác, tụng kinh, tâm niệm đều thất bại, chỉ có sự giáng sinh của Chúa Cứu Thế, Ngài từ Trời tìm đến con người, để cứu con người ra khỏi tội mà thôi. Giăng Báp Tít đã giới thiệu: “Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời là Đấng cất tội lỗi của thế gian đi” Giăng 1:29.

2/SỰ CỨU RỖI CON NGƯỜI KHÔNG THỂ TỰ MÌNH TẠO RA

Con người đầu tiên được Đấng Tạo Hóa dựng nên một cách thiện mỹ nhưng con người phạm tội và trở nên ô uế xa cách Đức Chúa Trời là Đấng thánh khiết, mối tương giao bị gãy đổ vì tội lỗi, con người cũng không tự chuộc tội cho mình được, không tự giải thoát cho mình được chính vì vậy mà Chúa Giê-xu phải giáng sinh làm người, phải chết đền tội cho con người trên Thập tự giá. Dù con người có tốt đẹp đến đâu cũng bị xem là ô uế trước Đấng thánh khiết. Ngày nay, con người cứ lầm tưởng nhờ vào công đức từ thiện, chẩn bần, bố thí, khổ tu để được cứu rỗi chỉ là luống công mà thôi.

Chế Lan Viên là một nhà thơ lớn, chính ông cũng đã ngậm ngùi vì biết rằng thời gian của ông không còn bao nhiêu, sống trong hiện tại nhưng Chế Lan Viên vẫn luôn ám ảnh sự cuối cùng:

.. “Đêm sau chót, sông ngân hà sau chót

Con vạc bay qua trời, con cú cú đầu cây sau chót

Con đom đóm ngoài vườn sau chót

Mùi hương dạ lan khuya sau chót” (Sau chót)

Ông thấy mọi sự đang diễn ra sau chót của đời ông và ông biết rằng không sớm thì muộn ai cũng phải “đến ngày”:

.. “Đến ngày anh ở trong vô hình

Bóng tối bên kia, bên kia anh quay đầu nhìn lại

Ngũ sắc cuộc đời chói lọi

Mà anh trở về thì cũng vô phương”.(Đến ngày)

Con người vô phương và đang bất lực với sự chết, sự kiện Chúa Giê-xu giáng sinh làm người làm một A Đam mới thay cho A Đam cũ – tổ phụ loài người phạm tội, mục đích của Ngài giáng sinh làm người là trở thành Em-ma-nu-ên, nghía đích thực là Thiên Chúa ở với con người trần tục, cảm thông với chúng ta, để giải cứu chúng ta. Nếu không trở thành người thì làm sao Ngài có thể chết trên Thập tự giá đổ huyết ra đền tội cho chúng ta được? Làm sao để khi gần tắt thở Ngài nói “Mọi việc đã được trọn” Giăng 19:30 để rồi Ngài gục đầu và trút linh hồn?

Và rồi, để có một buổi sáng Phục sinh khải hoàn, bẻ gãy sự chết và âm phủ, giày đạp đầu của Sa-tan tử thần được? Và rồi, một ngày không xa Ngài sẽ trở lại lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà đến, gọi con dân Ngài cất lên không trung gặp Ngài, gọi những người chết trong Chúa biến hóa sống lại cùng lên gặp Ngài được?

3/SỰ CỨU RỖI CHỈ CÓ ĐỨC CHÚA TRỜI BAN CHO

Đối với con người là bất năng nhưng đối với Đức Chúa Trời là toàn năng. Khổng Tử cũng đã từng nói “Nhân vô thập toàn”. Đức Chúa Trời toàn năng vì cũng có câu “Mưu sự tại nhơn, thành sự tại Thiên”. Nho giáo có câu “Hoạch tội ư Thiên, vô sở đảo giả” tạm hiểu là: Có tội với Trời thì không khấn vái đâu được, mà phải trực tiếp nhận tội và ăn năn với Trời mà thôi. Người con trai hoang đàng trong Kinh Thánh Lu-ca 15 có tội với Trời và với cha phải ăn năn mà quay về nhận tội. Vua Đa-vit trong Thi Thiên 51:4 “Tôi đã phạm tội cùng Chúa chỉ một mình Chúa thôi và luôn làm điều ác trước mặt Chúa.” Như vậy, sự cứu rỗi là con người không làm chi được, chỉ có Đức Chúa Trời mới là Đấng toàn năng, Ngài làm được mọi sự, Ngài sai Chúa Giê-xu xuống thế gian làm người, gánh tội lỗi cho toàn thể nhân loại qua sự hy sinh của con Ngài trên Thập tự giá.

Một lần nữa cũng Chế Lan Viên nhẹ nhàng hơn một chút, ông ví cuộc đời như những chuyến xe có đi mà không có về với những vần thơ sau đây:

.. “Chuyến xe sau không còn anh nữa

Xe vấn chạy nghìn đời vẫn vắng anh thôi

Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từng đi chuyến trước

Những chuyến xe không có vé khứ hồi.” (Chuyến xe)

Vũ Đình Liên trong bài thơ Ông Đồ nỗi tiếng cũng đành than thở:

.. “Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Và tất cả họ đều bất lực, đều không biết chi cả, chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng toàn năng, Ngài làm được mọi sự, Ngài là Đấng toàn tri, Ngài biết mọi điều mà thôi. Kinh Thánh 1Giăng 4:9-10 “Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều này: Đức Chúa Trời đã sai con một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống. Này sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta.”

Thưa quý vị cùng các bạn thân mến!

Qua bài chia sẻ trên đây phần nào độc giả cũng hiểu được về Sự Cứu Rỗi, tôi ước mong quý vị hãy trở về thờ phượng Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, Đấng ban sự cứu rỗi qua Chúa Cứu Thế Giê-xu, quý vị bằng lòng tin nhận Ngài thì Ngài hứa nhận bạn làm con cái yêu dấu của Ngài, tội bạn được Chúa tha, linh hồn bạn được Chúa cứu, đời sống bạn được Chúa quan phòng chở che, tương lai bạn nằm trong tay của Ngài. Ngài phán “Kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và hủy diệt, còn ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống, và được sự sống sung mãn.”Giăng 10:10.

Muốn thật hết lòng!

Hồ Xuân Được
Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like