Home Tin tức Thần Học Viện Nha Trang: Hướng Đến Tương Lai

Thần Học Viện Nha Trang: Hướng Đến Tương Lai

by Ban Biên Tập
30 đọc

Các bài viết liên quan:

>>>Thần Học Viện Nha Trang, Ngày Ấy – Bây Giờ…

>>>Thần Học Viện Nha Trang: Tiếng Gọi Của Lịch Sử

>>>“Ký Ức 50 Năm” Thần Học Viện Nha Trang (1962 – 2012)

 

THÁNH KINH THẦN HỌC VIỆN NHA TRANG XƯA VÀ NAY !

 Khi đọc và xem lại những hình ảnh cũ của Thánh Kinh Thần Học viện Nha Trang ngày xưa, qua bài “Thánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang xưa và nay” Mai Nguyên không khỏi bồi hồi cảm xúc, không khỏi đau lòng.

Cảm giác như đang quay về chốn cũ, nơi mình đã từng đi nhóm, sinh hoạt giao lưu thông công mỗi khi có nhóm bạn trẻ Vĩnh Phước, Cô Nhi Viện, Nha Trang, Thành, Phước Hải và các Thầy cô Thần Học Viện, không khí thật nhộn nhịp vui vẻ, tưng bừng biết bao, Mai Nguyên nhớ từng lời ca tiếng hát của các bạn trẻ, từng tiếng cười, từng ngọn cây cọng cỏ, mùi gió biển, tiếng sóng rì rào, Hòn Chồng với các mỏm đá chan hòa ánh nắng, không khí thơm thơm mùi biển, nồng nồng mùi muối mặn, các rừng phi lao, con đường đất sỏi đá lởm chởm dẫn đến Viện Thần Học, hai bên là đá với cây cỏ hoang sơ, thời ấy nhà vẫn còn lác đác, Mai Nguyên vẫn nhớ các căn nhà của các Giáo sư Trường Thần Học, nhà thật đẹp, êm đềm nằm ngủ dưới những giàn hoa giấy, hai căn nhà của Giáo sư Nguyễn Lâm Hương và Giáo sư Phạm Xuân Thiều (năm 1975-1979) thật dễ thương nằm một mình trên con đường đi lên  đỉnh đồi; lên hết con dốc bên tay trái là trường Thần Học với những dãy nhà lầu to lớn, ngói đỏ, nhìn sang tay phải là nhà thờ của Viện Thần Học lặng lẽ, nghiêm trang, thuần khiết với những hàng dương thẳng tắp với gác chuông, với thập tự giá thần thánh và luôn xôn xao tiếng chân mỗi sáng Chúa Nhật cùng tiếng chuông ngân vang vọng khuấy động bầu không khí tĩnh mịch, êm đềm. Ở đây, đâu đâu cũng có màu xanh, màu xanh của biển cả, màu xanh của cây cỏ hoa lá, màu xanh của đá, màu xanh của những hàng dương, màu xanh của những bãi cỏ, màu xanh của những rặng dừa, một màu xanh mát thật mát mà không bao giờ tìm được ở giữa thành phố Sài Gòn ồn ào náo nhiệt này, mùi thơm nồng gió biển này cũng không bao giờ tìm thấy ở giữa một thành phố nặng nề oi bức, bụi bặm, ngột ngạt này được… Ai đã từng sống ở đây, đi đâu dù trong hay ngoài nước vẫn không bao giờ quên được  những ký ức vẫn không bị xóa nhòa vì nó đẹp quá, yên tịnh, thơ mộng quá và thần thánh quá …

4_538x400

Nhìn lại Thánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang ngày xưa, bắt đầu từ dưới chân đồi đi lên với dân số ít ỏi, nhà cửa lác đác, bình dân lụp xụp những năm thập niên 1975; mà hôm nay không khỏi chóng mặt với những nhà lầu sang trọng, những khách sạn, quán nhậu, karaoke, shopping, quán net, quán ăn, các hàng quán khác cho đến đỉnh đồi Thần Học Viện. Không ai còn nhận ra chốn cũ nữa, các căn nhà đẹp đẽ một thời của các giáo sư Thần Học Viện, chiếc cổng đồ sộ cổ kính được xây bằng đá của trường Thần Học, Đài phát thanh tất cả đều chỉ còn trong quá khứ,  trong ký ức, trong tiềm thức và không ai còn thấy đến nữa…… Đau thương hơn nữa là nhà thờ Thánh Kinh Thần Học Viện một thời huy hoàng, đẹp đẽ, uy nghi bây giờ cũ kỹ, rêu phong, xuống cấp, đã bị che khuất bởi nhiều căn nhà chen chúc như muốn thi đua như muốn nói rằng “ hãy để cho quá khứ vào quên lãng, nhường cho thời đại cấp tiến, thời đại công nghiệp hóa, văn minh giàu có vượt bậc?”  hay là muốn nói rằng “tôn giáo không cần thiết?”

Nhìn qua tay trái là trường Thánh Kinh Thần Học – nơi đã sản sinh ra nhiều Mục sư, đầy tớ của Đức Chúa trời để giảng dạy Lời Đức Chúa Trời, để chăm lo về đời sống thuộc linh cho các tín hữu đã biến thành nhà nghỉ Công Đoàn và bây giờ là trường: không phải là Tôn Vinh Đức Chúa Trời mà là Tôn Đức Thắng với  nhiều đổi thay…

Tất cả những điều Mai Nguyên nói trên ai đã từng sống, từng biết về Thánh Kinh Thần Học Viện rồi; ai mà không khỏi bùi ngùi xúc cảm, xót xa?  Ai mà không khỏi tiếc nuối? Vì đó là di sản của Tôn giáo, là lịch sử của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – nơi mà chúng ta đã từng ở đấy và lớn lên trong đức tin.

Đúng! Chúng ta có tiếc nuối, có than khóc về quá khứ huy hoàng một thời đã bị đánh mất, đã bị chìm vào quên lãng nhưng quá khứ vẫn là quá khứ, có níu kéo lại vẫn không được nữa. Giống như dân Israel vẫn than khóc tiếc nuối về Đền thờ Giêrusalem vĩ đại, một thời huy hoàng tráng lệ, một thời vinh hiển đẹp đẽ, là nơi thờ phượng, niềm hãnh diện của dân tộc Do Thái; dù đi đâu làm gì, ở một nơi xa xôi nào đó họ vẫn hướng về đền thánh để cầu nguyện (1 Các vua 8: 28-30), họ tin rằng Đức Chúa Trời vẫn dủ nghe. Nhưng ngày nay, đền thờ Giêrusalem giờ chỉ còn là một bức tường cũ kỹ đổ nát, hàng năm vẫn có những khách thập phương và những tín đồ Do Thái Giáo đến bức tường này mà than khóc mà cầu nguyện, có lúc họ cũng trách móc Chúa, họ khóc cho tấm lòng quên lãng của dân sự Ngài, đã làm buồn lòng Ngài, họ có những lúc chối bỏ Ngài, chọc giận Ngài ( 1 Các Vua 9 :1-9 ). Họ ăn năn về các lỗi lầm của họ với Đức Chúa Trời, họ khóc nuối tiếc về quá khứ huy hoàng, họ cầu xin Đức Chúa Trời phục hồi, phục hưng dân tộc, họ cầu xin đền thờ Giêrusalem được xây dựng trở lại từ ngày này qua ngày kia, năm này đến năm kia, qua bao thế kỷ đền thờ vẫn chưa được xây dựng trở lại…

Có ai đặt câu hỏi Tại sao không? Đức Chúa Trời có nghe không? Lỗ tai Ngài có điếc khi chúng ta cầu xin Ngài không? Lời cầu xin của chúng ta có rơi xuống đất không? 

Chúng ta biết rõ Kinh Thánh chép rằng: mọi sự việc xảy ra  đều nằm trong chương trình và ý muốn của Đức Chúa Trời, mọi sự hiệp lại có ích cho  kẻ yêu mến Đức Chúa Trời (Rôma 8:28)

 Sợi tóc trên đầu chúng ta rớt xuống cũng đều nằm trong chương trình và ý muốn của Đức Chúa Trời (Mathiơ 10:30). Ba con chim sẻ bị bán một đồng tiền cũng do Đức Chúa Trời cho phép, Ngài không cho phép thì không một con nào bị rơi xuống đất”(Mathiơ 10:29)…

Chúng ta có bao giờ tự hỏi: tại sao sự việc này xảy ra? Điều này có nghĩa gì? Có mục đích gì? Có sự dạy dỗ gì không? Có nằm trong chương trình và ý muốn của Đức Chúa Trời cho phép không? Và nếu Đức Chúa Trời cho phép thì nó mới xảy ra, mà nếu Đức Chúa Trời không cho phép thì nó không bao giờ xảy đến cho dân sự Ngài, vì ý tưởng của Đức Chúa Trời là ý tưởng bình an chớ không phải tai họa (Giêrêmi 29:12 ), và có ích lợi cho dân sự Ngài (Rôma 8:28), chúng ta chỉ còn một cách là ca ngợi và cảm tạ Ngài mà thôi, trong mọi hoàn cảnh!

Có thể Đức Chúa Trời có một kế hoạch lớn lao cho sự phát triển của Hội Thánh Ngài cách vĩ đại hơn nữa  trong tương lai, cũng có thể có hàng tram, hàng ngàn trường Kinh Thánh sẽ được mọc lên ở khắp mọi nơi trên mảnh đất quê hương thân yêu của chúng ta!

Chúng ta chỉ có thể đặt mình trong sự trông cậy và thỏa lòng (Giêrêmi 29: 30b ) vì ý tưởng của Ngài còn cao hơn ý tưởng của chúng ta (Esai 55: 8-9). Hãy suy nghĩ với chiều hướng tích cực vào một ngày mai tươi sáng huy hoàng hơn nữa, Vinh quang  sau rốt của nhà này sẽ lớn hơn vinh quang trước ( Aghê 2:9)

 

Sài Gòn 30/7/2012

Mai Nguyên

Bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like