Home Những Bước Đi Có Chúa

Những Bước Đi Có Chúa

by Ban Biên Tập
30 đọc

LỚN LÊN TRÊN ĐÔI CHÂN ĐI NẠN

Tôi hẹn gặp ông Trương Quốc Bình trong một tiệm bánh Tây ngay góc đường Ký Con – Trần Hưng Đạo… Giữa những khu phố của trung tâm Sài Gòn này, ông Bình đã trải qua những ngày tháng ấu thơ đầy cam go. Ông nội của ông Bình vốn là người Hoa gốc Quảng Đông di cư đến Việt Nam và sinh cha của ông vào năm 1933 tại Sài Gòn. Ông Bình được sinh ra vào năm 1954 giữa thời buổi có nhiều biến động. Gia đình của ông Bình lúc ấy vốn giàu có, ông nội của ông là chủ một tiệm vàng có tiếng tại số 67 Hồ Tùng Mậu, quận 1. Năm ông Bình được 3 tuổi, ba của ông trong một lần mang giày cho con, vô tình mạnh tay đã kéo chân  con trai mình bị trật khớp. Gia đình mang ông đến bác sỹ Đông y Trương Quốc Cường nổi tiếng thời ấy khám chữa. Bác sỹ nói chỉ bị bong gân nhẹ, nhưng cậu bé Bình lúc ấy vẫn phải đi cà nhắc. Sau nhiều tháng chạy chữa, tình hình bệnh càng nặng thêm, mặc dù gia đình đã tốn không biết bao nhiêu tiền bạc. Quá trình chạy chữa vẫn diễn ra nhiều năm sau đó tại nhiều bệnh viện nhưng đôi chân của cậu bé Bình vẫn không khá hơn và phải đi lại bằng một đôi nạn gỗ, với dáng đi xiêu vẹo và khắc khổ mỗi ngày.

Năm ông Bình được 9 tuổi, ông nội của ông nghiện hút cần sa, cảnh sát thời đó viện cớ này xông vào khám xét và tịch thu tất cả tài sản. Gia đình ông trở nên khánh kiệt. Cha của ông từ một công tử trước đây suốt ngày lái xe mô-tô đi chơi bây giờ phải ra đường lái taxi, mẹ của ông phải đi bán bánh ở Chợ Cũ (khu vực đường Hàm Nghi, Quận 1 hiện nay) để kiếm cơm cho cả gia đình.

Cậu bé Bình đã trải qua những ngày tháng dài trong sự mặc cảm về bệnh tật, đã bao nhiêu lần xấu hổ khi bị bạn bè trêu ghẹo vóc dáng khắc khổ của mình trên đôi nạn gỗ. Ông kể, ngày đó ông có để ý một cô bạn học nhưng không hề dám thổ lộ. Cô bạn lúc đầu rất niềm nở, thân tình với ông, nhưng sau biết được tình cảm của ông đã lặng lẽ tạo khoảng cách để rút lui, điều đó khiến ông càng mặc cảm, tuyệt vọng. Ông kể lúc đó đã cố gắng tỏ ra tự lập trong mọi thứ, không muốn làm phiền ai, nhưng trong thâm tâm là sự mặc cảm. Với một tâm tính tự thu mình lại, cậu bé Bình lại rất siêng năng học tập coi như là một nỗ lực để bằng bạn bè.

alt

Trung tâm Sài Gòn xưa, nơi ông Bình sống những ngày tháng tuổi thơ

Năm 14 tuổi, đôi chân của cậu bé Bình phát bệnh nặng và nổi một cục bướu lớn. Bác sỹ đi đến kết luận là ông bị ung thư xương và phải cưa chân. Ngay hôm mẹ ông quyết định đem ông đến bệnh viện để tiến hành ca phẫu thuật thì cũng trong ngày hôm đó, như một sự may mắn, các bác sỹ ở đây cho biết có một chiếc tàu y tế của Mỹ mới đến Sài Gòn, và may ra họ có thể chữa trị được cho cậu bé. Tại đây, đôi chân của ông đã được chữa khỏi, chẳng những không phải cưa bỏ mà ông còn có thể tự đi lại được mặc dù bước đi vẫn còn khó khăn.

THẦY GIÁO TIẾNG HOA NỔI TIẾNG SÀI GÒN

Những tháng năm thiếu niên, ông Bình say mê học tập. Ông đắm mình rất sâu trong các sách triết học, văn học Trung Hoa và phương Tây. Cũng trong thời gian này, qua một người bạn, ông Bình được giới thiệu về Chúa Jesus. Ông bắt đầu chiêm nghiệm về ơn cứu rỗi của Chúa cùng tất cả những kiến thức của văn chương, triết học Trung Quốc mà ông đã nghiên cứu, cuối cùng ông đi đến quyết định tin nhận Chúa. Từ đây, ông nhận thấy Chúa chính là sự nâng đỡ lớn lao nhất của cuộc đời mình. Khi có Chúa, ông vượt qua mọi mặc cảm về bệnh tật cá nhân và có một thái độ sống lạc quan, vui mừng mà từ trước đến nay ông chưa từng trải nghiệm.

Biến cố năm 1975 xảy ra, ông Bình lúc đó 21 tuổi đang học lớp 12, ông quyết định thôi học và bắt đầu dạy kèm tiếng Hoa để giúp đỡ kinh tế cho cả gia đình. Ngoài ra, các buổi tối ông đi học thêm tiếng Anh ở Hội Việt Mỹ. Cộng đồng người Hoa lúc ấy có một nhu cầu học tiếng Anh rất lớn với mong ước xuất ngoại, vì vậy ông Bình bắt đầu dạy kèm thêm tiếng Anh. Mặc dù chỉ thạy theo nhóm nhỏ lẻ nhưng nhờ dạy dỗ tận tình, lại được học viên giới thiệu truyền tai lẫn nhau, ông Bình lúc đó đã dạy mỗi tuần đến 14 lớp học. Việc dạy học này giúp ông gánh vác được cả gia đình của mình, nhưng cũng khiến ông rơi vào tình trạng suy nhược do làm việc quá sức.

Một trong những học trò đặc biệt của ông vào những năm 1984 – 1985 lúc đó là Á hậu Lý Mỹ Dung, á hậu đầu tiên của Việt Nam sau năm 1975. Lý Mỹ Dung lúc đó vốn rất giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp và muốn học thêm tiếng Hoa. Nghe giới thiệu có một thầy giáo trẻ dạy tiếng Hoa, tiếng Anh rất giói, cô tìm đến học riêng. Lý Mỹ Dung đã khâm phục cái tài của ông Bình vì vốn kiến thức cổ văn sâu rộng cùng đức tính giản dị, có lẽ vì thế mà đến tận ngày hôm nay, vào mỗi dịp lễ cô đều gửi hoa, gửi quà tặng ông một cách đầy trân trọng. Cùng với đó, Lý Mỹ Dung đã giới thiệu nhiều người đẹp khác cùng học tiếng Hoa với ông Bình như nữ diễn viên nổi tiếng Mộng Vân, người đẹp Đoàn Việt Hà… Ông Bình xem đó như những kỷ niệm thú vị trong cuộc đời dạy học của ông.

“ĐÀN ÔNG PHẢI SỐNG CÓ TRÁCH NHIỆM”

Cuối những năm 1980, ông Bình, lúc này đã lập gia đình, bắt đầu làm giáo vụ tiếng Hoa cho một trung tâm tiếng Hoa tại trường Bến Nghé, Sài Gòn. Ông nhận ra một điều, việc dạy kèm tiếng Hoa tại gia đã hết thời vì lúc này nhà nước đã khuyến khích cho những trung tâm tiếng Hoa nở rộ. Vậy là từ đồng lương 4 triệu hằng tháng nhờ vào việc dạy kèm, ông chuyển qua làm cho một công ty giày của Đài Loan với mức lương 600 ngàn đồng. Ông bắt đầu lại từ đầu trong công việc, học hỏi mọi thứ từ những việc đơn giản nhất. Công việc của ông lúc đó là giúp hai bên đối tác Đài Loan và công ty Việt Nam hiểu nhau. Trải qua nhiều năm làm việc, từ một nhân viên bình thường, ông Bình đã trở thành CEO (giám đốc điều hành) tại Việt Nam của công ty. Hiện nay các dây chuyền trong nhà máy của ông tại Long An và trụ sở tại Gò Vấp, TP.HCM có tới 2,500 công nhân và mỗi tuần xuất đi khoảng 60,000 đôi dày sang thị trường EU.

alt

Ông Trương Quốc Bình đã trở thành một doanh nhân thành đạt từ một cậu bé lúc nhỏ với mặc cảm đôi chân khập khễnh.

Khi được hỏi, kinh nghiệm nào giúp ông đi đến những thành công như ngày hôm nay, ông cho biết: “Từ nhỏ tôi đã siêng năng học tập các sách vở, văn chương và nuôi cho mình một chí lớn. Tôi cho rằng một người không ước mơ nhỏ quá. Thứ hai nữa là tinh thần trách nhiệm, người đó phải sẵn sàng nhận trách nhiệm, không nên đổ trách nhiệm sang người khác và luôn cố gắng hết sức để hoàn thành trách nhiệm của mình”.

Câu chuyện gia đình của ông Bình cũng hết sức đặc biệt. Năm ông 28 tuổi, cô Hồng Nguyệt Nhi, qua một người cậu giới thiệu đã mời ông đến dạy kèm tại nhà. Đến buổi thứ hai, ông thú thực với cô là không thể dạy được nữa vì đã trót cảm mến cô học trò… Cô Nguyệt Nhi lúc này đã học xong Đại học Tổng hợp và sau đó làm kế toán trưởng tại nhà hàng Windsor Plaza, một nhà hàng 5 sao bậc nhất ở Chợ Lớn. Hai người bắt đầu hẹn hò và cô Nhi đã thương mến ông mà không bao giờ để ý đến những bước đi khó nhọc cùng gia cảnh của ông Bình. Họ kết hôn và hiện nay đã có với nhau 5 cô con gái. Các con của ông hiện nay đã lớn và thành đạt, cô thứ hai hiện đang làm chủ công ty trang trí nội thất Glory thành công ở Sài Gòn.

alt

Ông Bình cùng vợ, bà Hồng Nguyệt Nhi

alt

Ông Bình cùng vợ và các con trong gia đình

Ông kể vào khoảng năm 1995, khi công việc bắt đầu thăng tiến, ông cũng bị cuốn dần vào những buổi tiệc tùng với khách hàng, đối tác… Người đàn ông nào cũng khó thắng nổi trước những cám dỗ, thú vui và ông tự nhận đã có một thời gian dài dấn sâu vào những cuộc vui… Vợ ông lúc đó luôn kiên trì nhẫn nhịn. Mãi đến năm 2001, với sự giúp đỡ của một số người bạn tốt trong tổ chức FGB (Full Gospel Bussiness Man) quốc tế, với mục tiêu giúp những người đàn ông sống tốt  và có trách nhiệm hơn, đã giúp ông nhận ra thái độ sống đúng đắn đối với gia đình. “Tôi nhận thấy người đàn ông sống có trách nhiệm thì gia đình mới có hạnh phúc thực sự.Tôi như một đứa con hối lỗi trở về và vẫn được Cha của mình và các anh em trong Hội thánh, người thân trong gia đình đón nhận.. Ông Bình nói.

Hiện nay ông Bình đang là chủ tịch của hiệp hội FGB Việt Nam mà hội viên là nhiều nhà quản lý cấp cao tại các tập đoàn, công ty lớn của Việt Nam, với ước mong giúp người đàn ông sống cách trách nhiệm hơn với gia đình và xã hội và chia sẻ về Chúa cho các doanh nhân.

Chiêm nghiệm về hành trình cuộc đời của mình, ông Bình khiêm nhường nói: “quả thật cuộc đời tôi đáng lẽ đã rất khác nếu cứ sống trong mặc cảm và không được sự chúc phước của Chúa. Chính Ngài đã nâng đỡ và ban mọi phước hạnh cho tôi trong suốt những năm tháng đã qua …”

 Hạnh phúc sẽ luôn mỉm cười với những ai sống bởi đức tin và nghị lực.

Nguyễn Linh Ân – Tạp chí HTV – Đài Truyền hình TP.HCM, 2011.

Bài đăng trên Hoithanh.com đã có một số chi tiết bổ sung của tác giả.

Bình Luận: