Home Dưỡng Linh Mài Dao

Mài Dao

by Ban Biên Tập
30 đọc


Gươm Thánh Linh

Trong thơ gởi Hội thánh Ê-phê-sô, Phao-Lô ví lời Đức Chúa Trời với một thanh gươm của người chiến sỉ. Người lính ngày xưa, khi không ra trận thì họ chuẩn bị chiến đấu bằng cách mài gươm để cho nó không rỉ sét và không cùn. Tác giả sách Hê-bơ-rơ cũng dùng hình ảnh thanh gươm để mô tả Kinh thánh: “Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống và đầy năng lực, sắc bén hơn mọi gươm hai lưỡi, xuyên thấu, đến nỗi phân chia hồn với linh, khớp với tủy, xét đoán các tư tưởng, và ý định trong lòng người” (Hê 4:12, Bản dịch 2002).

Cũng trong thơ Ê-phê-sô Phao-Lô khẳng định, “Vì chúng ta chiến đấu, không phải với người phàm, nhưng chống lại những kẻ lãnh đạo, giới thẩm quyền, và những bậc quyền thế của thế giới tối tăm này cùng những thần linh gian ác trên các tầng trời” (6:12). Người chiến sỉ phải mài gươm thế nào để chuẩn bị tranh chiến với kẻ thù, thì người Cơ đốc cũng phài mài gươm Thánh Linh trong cuộc chiến tâm linh.

Sau đây, xin mời quí độc giả cùng tôi ôn lại cách người xưa mài gươm của họ như thế nào.

Giô-Sép và Các Người Anh

Kinh thánh dành 13 đoạn để viết về Giô-Sép. Chúng ta cùng nhau ôn lại vài điểm nổi bật của ông.

Giô-sép bị các anh ghen ghét, bán ông cho những con buôn người Á-rập. Họ mang ông xuống Ai-cập và bán ông cho Phô-ti-pha, một ông quan trong triều đính Ai-cập. Thay vì buồn rầu, đau khổ vì bất công của cuộc đời, ông chú tâm hầu việc chủ.  Vì vậy, Chúa ở với ông trong mọi việc ông làm, khiến việc gì ông chịu trách nhiệm cũng đều được thành công. Vậy Giô-sép được chủ mến chuộng, cử làm quản gia và giao thác cho ông coi sóc mọi người và mọi sự thuộc về chủ. Từ khi ông cử Giô-sép làm quản gia, coi sóc mọi tài sản thì CHÚA vì Giô-sép mà ban phước cho gia đình ông. Phước lành của CHÚA giáng xuống trên khắp mọi vật thuộc về chủ, cả trong nhà lẫn ngoài đồng. Chủ giao thác cho Giô-sép coi tất cả gia sản mình, không cần gì lo đến, chỉ lưu ý đến thực phẩm mình ăn (Sáng thế 39:2-6).

Người Việt Nam có câu: “Họa vô đơn chí.” Từ địa vị một công tử, phút chốc trở thành nô lệ. Nhưng họa chưa chịu buông tha ông. Bà chủ nhà say mê ông và dụ ông làm điều bất nghĩa. Nhưng Giô-Sép cương quyết từ chối bà chủ. Ông thưa với bà, “Ông chủ đã giao thác cho tôi tất cả trong nhà này nên ông không cần lo đến nữa. Trong nhà không có ai lớn hơn tôi, chủ không giữ lại bất luận điều gì ngoại trừ bà vì bà là vợ ông chủ. Lẽ nào tôi làm điều đại ác và phạm tội với Đức Chúa Trời sao” (39:8-9)?

Vì bị từ chối vợ của Phô-ti-pha cáo gian cho Giô-sép là xâm phạm bà. Vì vậy ông bị bỏ tù. Trong tù ông cũng không oán trách ai, và được “Chúa tỏ lòng nhân từ cùng ông, làm cho ông được ơn trước mặt giám ngục. Giám ngục giao thác hết các tù nhân trong tay Giô-sép” (Sáng 39:21-22). Sau đó ông có dịp phục vụ cho quan tửu chánh và quan thượng thiện, và nhờ giải mộng cho hai vị quan này mà được giới thiệu lên vua Pha-ra-ôn. Và, như chúng ta đã biết, Giô-sép được vua phong chức tể tướng xứ Ai-cập.

Tám hoặc chin năm sau có nạn đói vì hạn hán ở Ai-cập và Ca-na-an. Gia-cốp sai mấy người anh của Giô-sép qua Ai-cập để mua lúa. Lúc đầu Giô-sép chưa tỏ mình ra cho các anh, cho đến khi gặp em ruột của mình là Bên-gia-min mới cho các anh biết ông là ai. Họ tỏ ra bối rối và có thể lo sợ vì sinh mạng của họ ở trong tay Giô-sép. Nhưng ông nói, “Tôi là Giô-sép, em mà các anh đã bán đặng bị dẫn qua xứ Ê-díp-tô. Bây giờ, đừng sầu não và cũng đừng tiếc chi về điều các anh đã bán tôi đặng bị dẫn đến xứ nầy; vì để giữ gìn sự sống các anh, nên Đức Chúa Trời đã sai tôi đến đây trước các anh” (45:4-5).

Qua câu chuyện kể trên chúng ta có thể rút ra bài học tâm linh sau đây. Giô-sép là người biết mài kiếm trong lúc an hưởng cuộc sống phước hạnh. Nhờ đó khi gặp hoạn nạn ông không ngã lòng, không than, không khóc, nhưng vững tin nơi Chúa và sống theo nguyên tắc của Chúa. Tuy Kinh thánh không nói gì về sự khắc khoải trong lòng ông, nhưng chúng ta có thể suy đoán rằng ông có thể tha thứ cho những người anh gian ác, cho bà chủ xấu nết. Giống như Phao-Lô Giô-sép có thể “quên đi những điều đã qua, phóng mình đuổi theo những điều phía trước, nhắm mục đích đoạt được giải thưởng, là sự kêu gọi thiên thượng của Đức Chúa Trời trong Chúa Cứu Thế Giê-su” (Phi-líp 3:13-14). Chúng ta sẽ trở lại với trường hợp Phao-Lô sau. Bây giờ chúng nói về các người anh của Giô-sép. Họ là những người mang dao cùn. Thí dụ,

1.    Họ làm những việc xấu trong khi đi chăn chiên của cha (Sáng 37:2).

2.    Ghen ghét Giô-sép và âm mưu giết ông.

Họ nghĩ rằng Giô-sép cũng xấu như họ và lo sợ bị Giô-sép trả thù mặc dù Giô-sép đã trấn an họ. Sau khi Gia-cốp qua đời sự lo sợ trở lại ám ảnh họ. Họ mượn danh cha để xin Giô-sép tha thứ. “Giô-sép trấn an các anh và nói chuyện dịu dàng với họ.”

Sự khác biệt giữa Giô-sép và những người anh của ông là “sự mài kiếm tâm linh.”

Chúng ta không ai biết trước tương lai sẽ thế nào. Người có thể đối diện với nghịch cảnh là người biết mài kiếm Thánh Linh trong cuộc tranh chiến “chống lại những kẻ lãnh đạo, giới thẩm quyền, và những bậc quyền thế của thế giới tối tăm này cùng những thần linh gian ác trên các tầng trời.”

Trường Hợp Đa-Vít

Đa-Vít đang chăn chiên của cha ngoài đồng khi được gọi về ra mắt tiên tri, kiêm thầy tế lễ, kiêm quan xét Sa-mu-ên. Có lẽ lúc ấy Đa-vít đang viết Thi thiên, hay tập đàn, nhưng dù đang làm gì chắc ông phải ngạc nhiên. Càng ngạc nhiên hơn nữa là khi vừa thấy ông thì Sa-mu-ên cầm sừng dầu, đổ lên đầu Đa-vít trước mặt các anh người. Kể từ ngày hôm ấy, Đức Chúa Trời mở cho Đa-vít một con đường đi lên ngôi vua. Bắt đầu ông được gọi vào cung hầu việc vua Sau-lơ. Sau đó là sự đối đầu với người không lồ Gô-li-át. Khi bị người khổng lồ khiêu khích tất cả chiến sỉ của Sau-lơ đều sợ xanh mặt thì Đa-vít muốn biết phần thưởng cho ai hạ được người không cắt bì Phi-li-tin. Nghe Đa-vít hỏi quân lính tâu lại cho vua và vua đòi Đa-vít vào trình diện. Ông xin vua cho phép ra trận để tranh chiến với người khổng lồ Gô-li-át. Vua can ngăn Đa-vít, “Không được, con không thể nào đi ra chiến đấu với tên Phi-li-tin đó, vì con chỉ là một đứa trẻ trong khi nó đã từng là chiến binh từ khi còn trẻ” (1 Sa-mu-ên 17:33). Vua Sau-lơ không biết cậu bé chăn chiên Đa-vít đã mài gươm ngoài đồng vắng mấy năm nay. Bây giờ là thì thuận tiện để múa gươm. Đa-vít thưa với vua, “Tôi tớ vua đã đánh chết cả sư tử lẫn gấu. Tên Phi-li-tin không cắt bì này cũng sẽ bị đánh chết như một trong các con thú đó, vì nó dám sỉ nhục đạo quân của Đức Chúa Trời Hằng Sống” (câu 36). Quả thật gươm của Đa-vít đã sắc bén. Cho nên, Đa-vít chỉ cần một hòn sỏi để bắn ngã Gô-li-át và chặt đầu người anh hùng của quân Phi-li-tin. Gô-li-át thua vì sỉ nhụa đạo quân của Đức Chúa Trời; Đa-vít thắng vì đứng về phía Đức Chúa Trời.  

Trong Kinh thánh Cựu Ước chúng ta còn gặp nhiều nhân vật biết mài kiếm để chuẩn bị tranh chiến và những người thất bại vì không mài gươm. Nhưng xin mời quí vị tìm trong Tân Ước những nhân vật mài kiếm để học từ họ đời sống thành công.

Trường Hợp Phao-Lô

 

Có lẽ Chúa Giê-Su chọn Phao-Lô làm sứ đồ cho dân ngoại vì lòng nhiệt thành của ông. Nếu câu Kinh thánh “Nhiệt tình về nhà Chúa thiêu đốt tôi” ứng dụng vào Chúa Giê-Su, thì cũng có thể dùng để mô tả Phao-Lô. Ông nhiệt thành bắt bớ Hội thánh của Chúa Giê-Su, nhiệt thành tuân thủ luật pháp Môi-se (Phi-líp 3:6), nhiệt thành giữ các truyền thống của tổ tiên (Ga-la-ti 1:15).

Sau kinh nghiệm gặp Chúa Giê-Su trên đường đi Đa-mách, Phao đi qua Ả-rập rồi trở lại thành Đa-mách ba năm để giảng đạo. Trước đó Phao-Lô sử dụng cây kiếm của con người.  Sau khi ông thuận phục Chúa Cứu Thế, Ngài ban cho ông thanh kiếm hai lưỡi của Thánh Linh. Và “Sau-lơ ngày càng đầy quyền năng bắt bẻ những người Do Thái tại Đa-mách, lập luận chứng minh rằng Đức Giê-su chính là Chúa Cứu Thế). Nhiều ngày trôi qua, người Do Thái bàn kế giết Sau-lơ, nhưng ông biết được âm mưu đó (Công vụ 9:22-24).   

Đọc phần ký sự trong sách Công vụ và những tín thơ của Phao-Lô chúng ta thấy ông thực sự chịu khổ vì Chúa Cứu Thế. Ông kể: “Năm lần tôi bị người Do Thái đánh đòn, mỗi lần chỉ thiếu một roi đầy bốn chục. Ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá, ba lần chìm tàu, một ngày một đêm lênh đênh trên biển cả. Trong nhiều cuộc hành trình, tôi bị nguy hiểm trên sông ngòi, nguy hiểm vì trộm cướp, nguy hiểm vì chính dân mình, nguy hiểm nơi dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, nơi sa mạc, ngoài biển, nguy hiểm vì các anh chị em giả, lao lực, khó nhọc, nhiều lúc thức đêm, chịu đói chịu khát, nhiều khi bị đói khát, rét buốt và trần truồng, chưa kể những việc khác” (2 Cô-rinh-tô 11:24-28).

Một người không được trang bị bằng một cây gươm bén thì không thể nào chịu nổi những hoạn nạn mà ông trải qua. Nếu không mài gươm Phao-Lô không thể viết cho Hội thánh Phi-líp từ trong tù: “Hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn; tôi xin nhắc lại: Hãy vui mừng lên” (Phi-líp 4:4). Ông tâm đắc với lời khuyên của Gia-cơ: “Thưa anh chị em, khi gặp những thử thách khác nhau, anh chị em hãy xem tất cả là điều vui mừng” (Gia-cơ 1:2). Một người không thể vui mừng trong hoạn nạn khi gươm của họ không bén.

Trường Hợp Chúa Giê-Su

 

Chúng ta có thể tìm trong Kinh thánh Tân Ước nhiều nhân vật biết “mài dao” khác. Nhưng tôi xin kết thúc bài viết này với gương của Chúa chúng ta. Lu-ca có kể cho chúng ta một câu chuyện về Chúa Giê-Su đáng chú ý.

Khi Chúa được mười hai tuổi, Ngài đi theo cha mẹ lên Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt qua. Sau kỳ lễ cha mẹ Ngài ra về và không thấy thiếu một người con. Họ quay lại thành Giê-ru-sa-lem và họ tìm được Ngài trong đền thờ, đang ngồi giữa các giáo sư Do Thái Giáo, vừa nghe vừa hỏi” (Lu-ca 2:46). Họ hỏi Chúa tại sao Ngài làm cho họ lo như vậy, Ngài đáp lời, “Cha mẹ phải tìm kiếm con làm gì? Cha mẹ không biết con phải ở trong nhà Cha con sao” (câu 49)?

Từ ngày hôm ấy cho đến khi Ngài thi hành chức vụ là một khoảng thời gian mười tám năm. Trong mười tám năm, có lẽ Ngài làm thợ mộc để chu cấp cho mẹ và các em. Có điều chắc chắn là Ngài không quên mài kiếm. Cơ hội đầu tiên Chúa múa kiếm thiêng là lúc Ngài đấu kiếm với Sa-tan trong đồng vắng. Nhờ rèn luyện Chúa chiến thắng Sa-tan trong hiệp đó và trong mỗi lần tranh chiến sau đó.

Chiến thắng sau cùng và lớn hơn hết là chiến thắng sự chết. Ngài bị đóng đinh, nhưng Ngài đã sống lại. Nếu Ngài không chiến thắng sự chết thì “chúng ta vẫn còn ở trong tội lỗi mình” (1 Cô-rinh-tô 15:17).

KẾT LUẬN

Năm 2010, tại thành phố Seattle, một Mục sư phạm tội ngoại tình với một nữ tín hữu có chồng trong Hội thánh. Trước đây và trong tương lai sẽ có nhiều tôi tớ Chúa, sâu nhiệm lời Chúa, phạm tội. Chúa Giê-Su từng nhắc nhở những môn đồ Ngài: “tâm linh thì mong muốn nhưng thể xác lại yếu đuối.”

Miền Tây Hoa kỳ là vùng động đất. Mỗi năm có nhiều trận động đất. Cám ơn Chúa là thỉnh thoảng mới có một cơn địa chấn có thể gây thiệt hại. Các khoa học gia cảnh báo về một cơn động đát lớn, nhưng không biết lúc nào nó xảy ra. Điều cần là mọi người dân trong vùng phải chuẩn bị thức ăn, nước uống, đèn pin, thuốc men, quần áo và nhiều thứ khác.

Về phương diện tâm linh, khi mọi sự bình an, con cái Chúa cần mài dao, sẵn sàng đối diện với nghịch cảnh để không bị phục kích và để không bị đánh bại.    

Cầu chúc mọi người đọc bài này cảnh giác, đề phòng và sống đắc thắng vì danh Chúa Cứu Thế.


Huỳnh Ngọc Ẩn

Bài vở cộng tác và  góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like