Home Quốc Tế Giê-ru-sa-lem Thành Thánh

Giê-ru-sa-lem Thành Thánh

by Ban Biên Tập
30 đọc

Đất Thánh hiện lên giữa vùng Trung Ðông sa mạc khô cằn như một ốc đảo xinh tươi, hấp dẫn, đầy sức sống. Phía tây là Ðịa Trung Hải, ba hướng còn lại, Israel tiếp giáp với các quốc gia Ả-rập Hồi giáo: Lebanon, Syria, Jordan và Egypt. Diện tích Israel chỉ bằng một phần mười sáu (1/16) diện tích Việt Nam. Dân số hơn 6 triệu mà 83 phần trăm là người Do-thái. Hebrew và Arabic là hai ngôn ngữ chính.

Giê-ru-sa-lem, 48 dặm vuông, thành phố lớn nhất, nằm chính giữa Israel, với 650,000 dân, là Thành Thánh (Ê-sai 52:1) và kinh đô đời đời. Dân Do-thái chiếm 70 phần trăm. Ðường dốc 35 dặm từ bờ Ðịa Trung Hải đến Jerusalem đưa du khách qua đồi trọc hoang vu và những bờ đá cao ngất.

Jerusalem_nh_th__M___
Jerusalem, nhà thờ Mộ Đá

Jerusalem nổi tiếng không phải chỉ nhờ các đền đài cổ tráng lệ hay thành quách kiên cố. Jerusalem là Thành Thánh lịch sử, nơi tiên tri Giê-rê-mi, Ê-sai rao giảng sứ điệp công bằng xã hội và bình an, nơi Chúa Jesus rao giảng Phúc âm cứu rỗi và chết trên thập tự giá tại đồi Gô-gô-tha.

Giê-ru-sa-lem cổ kính với 5000 năm lịch sử được xây dựng trên núi Moriah. Phía đông là núi Olives và thung lũng Kidron. Phía tây nam là thung lũng Hinnon, nổi tiếng với hố rác Gehenna lâu đời, nơi Thánh Kinh đề cập đến như là lửa địa ngục vì người ta đốt rác không bao giờ ngừng.

Jerusalem_Ni__-li-ve__nh_th__cc_qu_c_gia
Jerusalem, Núi Ô-li-ve & nhà thờ các quốc gia

Giê-ru-sa-lem qua nhiều thế kỷ là điểm tranh chấp và thánh địa hành hương của hàng triệu tín đồ Cơ-đốc giáo, Hồi-giáo và Do-thái giáo. Giê-ru-sa-lem là thành phố đa dạng, đông đảo. Người Do-thái lẫn người Palestine đều tuyên bố Jerusalem là thủ đô của mình. Từ Nam chí Bắc, họ sống riêng rẽ, nhưng tại Jerusalem, cả hai khối người khác biệt nầy sinh hoạt lẫn lộn với nhau.

Jerusalem là điểm hội tụ xung đột, nghịch lý của ba tôn giáo và là kinh đô của các loại nhạc thánh vang rền, hòa lẫn trong tiếng còi xe inh ỏi. Satellite dishes, nhà hội với tường đá cổ kính, tháp chuông nhà thờ nguy nga, và nóc đền vòm tròn sáng chói xuất hiện khắp nơi.

Jerusalem_Thnh_C_
Jerusalem, Thành Cổ

Trong cuộc tranh chấp gay cấn hiện nay giữa người Palestine và Israel, Jerusalem là lô độc đắc tối hậu, quyết liệt. Cả hai đều dứt khoát tranh đấu cho đến cùng để trở thành chủ nhân duy nhất.

Người ta gọi Jerusalem là bảo tàng viện lộ thiên. Giữa thành phố hiện đại, quá khứ ngàn năm bừng thức giấc. Jerusalem là nơi cũ mới giao duyên, thánh tục gần gũi và đất trời hòa hợp. Sáu mươi hai năm qua (2010), Jerusalem là thủ đô tâm linh của Israel tái sinh.

Abraham xây bàn thờ trên núi Moriah để dâng của lễ thiêu tôn thờ Chúa. Lúc đó, nơi nầy được gọi là Shalem. Về sau, vua David của dân Do-thái, một hậu tự của Abraham, chinh phục từ tay người Jebusites năm 1000 trước Chúa. Sách thứ nhì của Sa-mu-ên, chương 5 ghi lại cuộc tiến chiếm Jerusalem. Quân Jebusites đóng chặt các cổng thành, đặt người đui và què thách thức David, không hề nghĩ rằng thành có thể thất thủ.

Jerusalem_T__ng_pha_Ty_nhn_v__ni_Si-n
Jerusalem, Tường phía Tây, nhìn về núi Si-ôn

David dẫn quân chiếm thành, đánh bại dân Jebusites, đặt tên là thành David, cũng được gọi là núi Si-ôn – Mt. Zion, chỗ David xây bàn thờ cho Chúa (II Sa-mu-ên 5:7-12). Jerusalem là nơi David thống nhất mười hai chi phái Israel thành vương quốc độc lập, hùng mạnh. David chọn Jerusalem làm thủ đô thờ phượng là một quyết định tâm linh, chiến lược và chính trị khôn ngoan theo ý Chúa. Jerusalem cũng là trung tâm quân sự và thủ đô hành chánh.

David dời kinh đô từ Hebron về đây, xây thành Giê-ru-sa-lem trên núi Moriah. David chỉnh trang thành bền vững, chuẩn bị kế hoạch xây đền thờ hết sức chu đáo. Mặc dầu xây đền thờ là ước nguyện lớn lao nhất của David nhưng Chúa không cho phép, vì ông là một chiến sĩ đẫm máu và đã phạm tội trọng. Solomon kế nghiệp vua cha, hưởng vinh dự quý báu xây Đền Thờ Đầu Tiên.

Jerusalem_T__ng_Than_Khc____n_th__H_i_gio
Jerusalem, Tường Than Khóc & đền thờ Hồi giáo

Nền Ðền Thờ là những tảng đá khối rất lớn và nặng, đặt sâu dưới mặt đất. Sau hàng ngàn năm dài chịu đựng sức tàn phá của quân thù, thời gian và mưa bão, Bức Tường Than Khóc vẫn còn đứng vững và là biểu tượng thiêng liêng nhất của người Do-thái và niềm tin của họ nơi Chúa thành tín.

Ðền Thờ bị quân đội Babylon phá hủy năm 586 Trước Chúa. Chương 25 của II Các Vua ghi lại hình ảnh đau thương kinh hoàng. Sau hai năm dài bị bao vây, dân và quân đói thiếu thê thảm. Vua Sê-đê-kia bỏ kinh thành chạy trốn, bị bắt và phải chứng kiến các con trai mình bị giết. Chính vua bị móc mắt, còng tay, dẫn độ về Babylon.

Ðền thờ, cung điện và tất cả nhà cửa tại Jerusalem đều bị đốt phá. Vàng bạc, trang cụ quý giá trong Ðền Thờ đều bị chở đi Babylon. Thành thánh tan nát, Ðền Thờ sụp đổ, người bị bắt lưu đày, không nơi thờ phượng. Ðiều duy nhất họ còn là đức tin nơi Chúa và hy vọng một ngày trở về Jerusalem.

Bảy mươi năm sau, ngày vui lớn đến, dân Israel sửng sốt nghe tin Si-ru, vua Phe-rơ-sơ (Iran ngày nay) được lịnh Chúa truyền xây dựng Ðền thờ Jerusalem thứ nhì (E-xơ-ra 1). E-xơ-ra và Nê-hê-mi lãnh đạo công tác xây dựng Ðền thờ và tường thành Jerusalem. Sự thờ phượng được hoàn chỉnh, tâm linh được phục hưng.

Jerusalem_Thnh_C_
Jerusalem, Thành Cổ

Mấy trăm năm sau, Ðền Thờ bị hư hại thê thảm. Vua Herod bắt đầu xây dựng Ðền Thờ thứ ba, năm 19 Trước Chúa, trên cùng nền cũ. Ðây là Ðền Thờ mà Chúa Jesus và các môn đồ đến thăm viếng thường xuyên.

Bốn mươi năm sau, đây là trung tâm của cuộc nổi dậy chống lại người La-mã. Năm 70, Ðền Thờ bị quân La-mã đốt phá, hư hại hoàn toàn. Hoàng đế Hadrian xây một đền thờ tà giáo trên nền cũ của Ðền Thờ và người Byzantines xây nhà thờ.

Người Hồi-giáo tin rằng, Mohammed, giáo chủ của họ lên trời tại địa điểm nầy. Chiếm cứ Jerusalem trong thế kỷ thứ bảy, họ xây đền thờ Hồi-giáo – Dome of the Rock và al-Aqsa tại đây. Ðó là hai trong những đền thiêng liêng nhất của Hồi-giáo.

B__c_Theo_Chn_Cha_Jesus_Trn___t_Thnh_October_2009
Bước Theo Chân Chúa Jesus Trên Đất Thánh

Năm 333, hoàng hậu Helena xây nhà thờ vĩ đại – Church of the Holy Sepulchre, đánh dấu đồi sọ Chúa chịu đóng đinh và khu vực mộ đá chôn Chúa. Nhà thờ nầy được trùng tu nhiều lần qua các thời đại.

Jerusalem ngày nay có khá nhiều bảo tàng viện và địa điểm văn hóa lịch sử giá trị. Israel Museum trình bày vô số di tích khảo cổ, kể cả Dead Sea Scrolls. Tower of David Museum và Rockefeller Museum of Archaeology được khá nhiều du khách ưa chuộng. Holocaust Memorial Museum là nơi tưởng niệm sáu triệu người Do-thái bị thảm sát trong thời Ðức quốc xã Hitler, một trong những nơi du khách đến viếng nhiều nhất.

Jerusalem Theater và Jerusalem Convention Center là nơi tập trung nhiều sinh họat văn hóa nghệ thuật. Suốt mùa hè, các buổi trình tấu nhạc lộ thiên thu hút du khách đến Sultan’s Pool, ngay bên cạnh chân tường của thành cổ. Du khách có thể viếng thăm các nhà hội Do-thái nằm rải rác trong thành Jerusalem và vùng phụ cận. Mỗi nhà hội phản ảnh nghi lễ và tổ chức của nhiều cộng đồng và thời đại khác nhau.

Giê-ru-sa-lem – thành thánh của Do-thái giáo, Hồi giáo và Cơ-đốc-giáo còn là một trong những địa điểm du lịch thu hút nhất trên thế giới. Giê-ru-sa-lem hiện đại với nhiều tòa nhà chọc trời tráng lệ và xe cộ dập dìu.

Bên cạnh Giê-ru-sa-lem hiện đại, Phố Cổ Giê-ru-sa-lem mệt nhọc chuyển mình, ghi dấu ấn thời gian của những thời đại đã qua. Các đoàn quân chinh phục đến rồi đi, để lại dấu vết lịch sử – đốt phá, hoặc xây dựng lâu đài, thành quách nguy nga.

Israel cổ xưa đang đổi mới nhanh chóng để chào đón thế giới. Xa lộ Do-thái dùng bản chỉ đường bằng tiếng Anh, khách du lịch có thể dùng ATM cards, ăn uống và nghỉ ngơi thoải mái trong các khách sạn rất Tây phương.

Người Do-thái hành hương Xứ Thánh viếng thăm Bức Tường Phía Tây của Ðền Thờ trong khu vực Do-thái. Người Hồi giáo viếng thăm các đền Hồi giáo trên ngọn núi Moriah. Tín đồ Cơ-đốc thăm viếng các ngôi nhà thờ dọc theo các điểm Chúa Jesus đã đi qua.

Khách du lịch từ khắp nơi như một bằng chứng hùng hồn của Jerusalem đa diện, nhiều màu sắc văn hóa và ý thức tâm linh – giới trẻ với quần shorts, T-shirts, jeans, người già với mũ áo trang trọng, tu sĩ trong lễ phục đặc thù của hệ phái mình. Ca đoàn Tin-lành, ban nhạc Thiên Chúa giáo, nhạc kích động trên hè phố, các nhóm cầu nguyện ngoài trời…

Jerusalem nổi tiếng là trung tâm triển lãm nghệ thuật giá trị và các buổi hòa nhạc thính phòng trứ danh. Nổi bật và gần gũi với khách thập phương có lẽ là các nhà hàng thanh lịch trong khách sạn với thức ăn ngon, đa văn hóa, trình bày đẹp mắt và phục vụ rất nhã nhặn, ân cần.

Tường thành Jerusalem được xây dựng lại năm 1536 là một trong những thành lũy trung cổ kiên cố và hoàn chỉnh nhất thế giới. Tường thành có bảy cổng. Các cổng chính là: Jaffa, Damascus, Dung và St. Stephen’s Gate. Ði bộ trên vách tường thành cho khách du lịch một cái nhìn tổng quát khá lý thú, độc đáo.

Tín đồ Cơ-đốc hành hương lội bộ qua Christian Market Street, mua đèn cầy, hình ảnh và rất nhiều hàng thủ công chạm trổ tinh vi, nhất là đồ gỗ olive. Người Hồi giáo cũng bày bán các sản phẩm của họ. Bên ngoài thành cổ có rất nhiều chợ rau, thịt và hàng quán đủ loại. Trung tâm thành phố có shopping center và rất nhiều quán cà-phê, thu hút giới trẻ.

Núi Si-ôn là nơi các sứ đồ dự bữa ăn cuối cùng với Chúa Jesus và Lễ Ngũ Tuần đầu tiên (Công vụ 2:1-4). Cả hai biến cố đều xảy ra tại Phòng Cao trên lầu. Hiện nay mộ vua David cũng nằm trong nhà nầy.

***

Đến Jerusalem, quý vị có thể ngạc nhiên với phi trường nhộn nhịp, phố phường đầy người. Khách sạn tấp nập với các phái đoàn quốc tế đến và đi không ngừng. Quý vị sẽ không thất vọng, dù đi công tác một mình hay du lịch nhàn hạ với cả gia đình thân yêu.

Viếng thăm Xứ Thánh một, hai tuần không đủ. Viếng thăm Jerusalem năm ba ngày cũng quá ít nhưng quý vị sẽ sống những ngày xứng đáng, kỳ thú, đầy phước hạnh khó quên. Viếng thăm Xứ Thánh và Jerusalem là kinh nghiệm bồi dưỡng tâm linh vô giá. Lịch sử Thánh kinh, chuyện tích Thánh Kinh và Lời Chúa trở nên ý nghĩa, sống động, gần gũi hơn nhiều.

Jerusalem, mỗi địa điểm lịch sử đều vang dội thanh âm thiêng liêng của ngàn xưa. Bức Tường Than Khóc sừng sững, vườn Gethsemane đau thương, Way of Sorrows, Con Ðường Thống Khổ Chúa Jesus vát cây thập tự từ án trường đến đồi Golgotha…

Jerusalem – biểu tượng của Do-thái giáo, là đối tượng của lời ca bi thương qua nhiều thế hệ. Qua nhiều cuộc đổi đời lịch sử đau thương, người Do-thái vẫn trung kiên hy vọng một ngày huy hoàng – về Jerusalem thân yêu và ở luôn tại đó.

Họ đã từ đó ra đi, để lại con tim, và một ngày, sẽ trở về trong phước hạnh, mừng vui. Vì lý do đó, người Do-thái hay chào nhau “See you next year in Jerusalem – hẹn gặp … Anh, Chị …  sang năm tại Jerusalem.” Amen.

Mục sư Hồ Xuân Phước

Bình Luận:

You may also like