Home Giáo Lý Tin Lành Bài 36: Sự Nên Thánh

Bài 36: Sự Nên Thánh

by Ban Biên Tập
30 đọc

Hêbêrơ 12:14: “Hãy cầu sự bình an với mọi người, cũng tìm theo sự nên Thánh, vì nếu không nên Thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời”. Đức Chúa Trời là Thánh, nếu Chúa ta không Thánh thì không thể tương giao với Ngài. Vậy, chúng ta phải theo đuổi cuộc đời Thánh khiết, mỗi người phải ao ước cuộc đời đó. Sự tha thứ và sự xưng công bình cứu chúng ta khỏi kết quả của tội lỗi quá khứ. Sự tái sanh và nên thánh cứu chúng ta khỏi quyền lực của tội lỗi trong hiện tại và tương lai.

I. Ý NGHĨA CỦA SỰ NÊN THÁNH:

Sự nên thánh có hai bước:

1-Nên Thánh theo giáo nghi hay là nên thánh theo địa vị.

2-Nên Thánh trong tâm tánh hay là nên thánh trong kinh nghiệm.

Được kể là Thánh và được kinh nghiệm đời sống Thánh. Khi chúng ta tin Chúa, được kể là Thánh vì đứng trong địa vị của một người Thánh. Nhưng bước thứ hai là phải kinh nghiệm cuộc sống Thánh qua cách ăn ở hàng ngày.

Thí dụ 1: Một em bé 6 tuổi được cha mẹ đưa đến trường, em được nhận và được ghi tên vào sổ, học lớp một. Ngay trong giờ đó, em được kể là học sinh của trường, có địa vị là học sinh, nhưng em chưa kinh nghiệm. Bây giờ em phải đi học mỗi ngày để được kinh nghiệm đời sống của một học sinh. Khi tin Chúa, thì ngay giờ đó chúng ta được kể là một người Thánh, nhưng chưa kinh nghiệm, nên mỗi ngày chúng ta học tập, mỗi tuần chúng ta sinh hoạt thuộc linh, để mỗi lúc chúng ta kinh nghiệm cuộc đời Thánh khiết.

Thí dụ 2: Một em bé mới sanh, được kể là một người rồi, nhưng chưa kinh nghiệm đời sống của một người. Bắt đầu từ đó, mỗi ngày em kinh nghiệm lớn lên, mạnh mẽ và đạt đến mức trưởng thành. Đó là kinh nghiệm cuộc đời Thánh khiết, cuộc đời làm con trai, con gái Đức Chúa Trời. Địa vị Nên Thánh và kinh nghiệm Nên Thánh cũng như địa vị học sinh và đời sống học sinh, địa vị làm người và kinh nghiệm làm người.

Sự Nên Thánh và sự Tái sanh theo liền với nhau. Một người được Tái sanh thì ngay giờ phút đó được kể là người Thánh. Một viên đạn bắn xuyên qua tấm ván thì viên đạn đi trước hay lỗ hổng đi trước. Nếu không có viên đạn thì làm sao để lại lỗ hổng. Lỗ hổng có ngay lập tức sau viên đạn. Cũng vậy, một người được Tái sanh thì được nên Thánh hai bước đó liền nhau. Khi tôi đã được Tái sanh, tôi thấy trong đời tôi có thay đổi kỳ diệu. Đó là bước đầu của sự Nên Thánh.

II. NÊN THÁNH TRONG GIÁO NGHI HAY NÊN THÁNH TRONG ĐỊA VỊ:

Nên Thánh trong giáo nghi hay địa vị là được biệt riêng cho Đức Chúa Trời, bất cứ vật nào, chỗ nào, người nào, thì giờ nào đã biệt riêng để dâng cho Đức Chúa Trờithì được kể là Thánh. Biệt riêng là tách khỏi tội lỗi, tối tăm, ma quỷ, thế gian mà thuộc về Đức Chúa Trời. Đó là Nên Thánh theo nghi lễ hay Nên Thánh theo địa vị.

1-Những chỗ được kể là Thánh.

a Bụi gai cháy.

Xuất 3:5: “Đức Chúa Trời phán rằng: Chớ lại gần chốn nầy. Hãy cởi giày ngươi ra, vì chỗ ngươi đương đứng là đất Thánh”. Môise đang chăn chiên ở ngoài đồng, thấy một bụi gai khô đang phát hỏa, nhưng ông lấy làm ngạc nhiên vì không hiểu tại sao bụi gai cứ cháy mãi mà không hề tàn. Ông lại gần để xem. Khi đến gần thì có tiếng trong bụi gai nói: “Hỡi Môise chớ lại gần chốn nầy, vì chỗ ngươi đang đứng là đất Thánh”. Thử hỏi: “Đất ở đó với đất ở đây có khác nhau không?” – Không! Nhưng tại sao gọi là Đất Thánh? – Vì Đức Chúa Trời đang ngự ở đó. Nơi nào Chúa ngự thì nơi đó là Thánh. Chúng ta phải biết rằng Nhà thờ là một nơi Thánh. Tại sao? – Vì nơi nầy đã dâng cho Chúa, có Chúa ngự. Vậy chúng ta phải cung kính thành tín mỗi khi bước vào Nhà thờ, vì ý thức rằng đây là một nơi Thánh. Giữ được thái độ đó chúng ta có phước.

b Đền tạm trong đồng vắng.

Xuất 25:8: “Họ sẽ làm cho Ta một Đền Thánh và Ta sẽ ở giữa họ”. Đền đó bằng đá, bằng gỗ, bằng bạc, bằng vàng. Dầu nó quí hơn các Nhà thờ nhưng cũng vật chất. Tại sao gọi là Thánh? – Vì biệt riêng ra cho Chúa ngự, và làm nơi thờ phượng Ngài (Xuất 28:29,35,43;29:30-31).

c Đền thờ tại Giêrusalem

Thi thiên 5:7: “Còn tôi nhờ sự nhân từ dư dật của Chúa, tôi sẽ vào nhà Chúa. Lấy lòng kính sợ Chúa mà thờ lạy trước Đền Thánh của Chúa”. Đền thờ tại Giêrusalem cũng như Đền tạm tại đồng vắng, vì biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời, là nơi Ngài ngự, nơi dân sự đến thờ phượng ngài, thì nơi đó phải là một nơi Thánh (Thi 11:8; 65:4;79:1; 158:2)

d Núi Sinai.

Xuất 19:23: “Môise thưa cùng Đức Chúa Giêhôva rằng: Dân sự chẳng được lên núi Sinai đâu, vì Ngài có cấm chúng tôi mà phán rằng: Hãy phân định giới hạn chung quanh núi, và phân biệt nơi đó là đất Thánh”. Núi Sinai cũng như núi Bà đen, cũng như dãy núi Trường sơn, cũng như các núi trong quả Địa cầu nầy, nhưng khi Đức Chúa Trời giáng lâm trên đỉnh núi Sinai, thì núi ấy là một nơi Thánh. Về sau, Môise nói rằng: “Tôi run rẩy cả người (Hê 12:21).

e Núi Siôn.

Thi thiên 2:6: “Dầu vậy, ta đã lập Vua ta. Trên Siôn là núi Thánh ta”. Núi Siôn được gọi là núi Thánh. Không phải núi nào cũng gọi là núi Thánh đâu, nhưng núi Siôn cũng như núi Sinai được gọi là Thánh tại vì Chúa ngự ở đó. Núi Siôn là nơi đã xây thành Giêrusalem làm nơi thờ phượng Chúa (Thi 48:1-2).

f Thành Giêrusalem.

Êsai 52:1: “Hỡi Siôn hãy thức dậy, thức dậy mặc lấy sức mạnh ngươi ! Hỡi Giêrusalem là thành Thánh, hãy mặc lấy áo đẹp ! Vì rày về sau kẻ không chịu phép cắt bì và kẻ ô uế sẽ không vào nơi ngươi nữa”. Giêrusalem là thủ đô của Dothái, ngày nay vẫn còn. Giêrusalem là thành Thánh, vì là một nơi riêng biệt cho Đức Chúa Trời làm nơi Ngài ngự, để phán dạy dân sự Ngài (Giôên 3:17).

Vì vậy, sáu nơi nầy chỉ là tượng trưng: Bụi gai cháy, Đền tạm, Đền thờ, núi Sinai, núi Siôn, và thành Giêrusalem là những chỗ Thánh, vì được riêng biệt ra cho Đức Chúa Trời ngự.

2-Những vật được kể là Thánh:

a Các vật trong Đền thờ.

Xuất 40:9-11: “Đoạn ngươi hãy lấy dầu xức mà xức Đền tạm và các đồ bể trong đó ;biệt riêng Đền tạm và các đồ phụ tùng của Đền tạm ra Thánh, thì sẽ làm Thánh vậy. Cũng hãy xức dầu bàn thờ về của lễ thiêu, và các đồ phụ tùng của bàn thờ, rồi biệt riêng ra Thánh, thì bàn thờ sẽ làm rất Thánh. Cũng hãy xức dầu cho thùng và chân thùng, biệt thùng riêng ra Thánh”. Bất cứ vật gì đã biệt riêng ra cho Chúa trong Đền thờ thì dầu là bằng đá, bằng gỗ, bằng đồng, bằng bạc, bằng vàng, đều được kể là Thánh.

Vua Nêbucátnếtsa đã đem quân đánh phá thành Giêrusalem và Đền thờ, cướp tất cả vật dụng Đền thờ về Babylôn. Ngày nọ, vua Bênxátsa, cháu nội của ông ấy mở tiệc thiết đãi các đại thần, dùng những chén, ly bằng vàng đã cướp tại Giêrusalem đem ra uống rượu. Đó là ông đã xúc phạm Đức Chúa Trời, biến vật Thánh ra vật phàm. Ngay khi ông đang uống rượu, thấy trên tường hiện ra một bàn tay viết mấy chữ:ĐẾM, CÂN và CHIA. Bênxátsa run sợ đến nỗi hai đầu gối chạm vào nhau. Khi Đaniên được mời đến, ông giải thích rằng: ĐẾM là Đức Chúa Trời đã đếm nước của ông đã đến lúc phải mất. CÂN là Ngài để ông lên bàn cân, ông thiếu lắm. CHIA là Ngài chia nước của ông cho Mêđô và Batư. Vì Bênxátsa đã phạm tội phàm tục hoá những gì biệt riêng ra Thánh cho Đức Chúa Trời (Đaniên 5:1-31).

b Tiền của dâng cho Chúa.

Lêviký 27:30-33: “Phàm thuế một phần mười thổ sản, bất kỳ vật gieo hay là hoa quả của cây, đều thuộc về Đức Chúa Trời, ấy là một vật Thánh, biệt riêng ra cho Đức Giêhôva. Nếu ai muốn chuộc lại vật chi về một phần mười của mình, thì phải phụ thêm một phần năm. Còn về một phần mười của bò hay là chiên, tức là mọi vật chi đi ngang dưới gậy, con thứ mười sẽ là Thánh, biệt riêng ra Thánh cho Đức Giêhôva. Họ không nên phân biệt con tốt hay con xấu, và cũng không nên đổi. Nếu đổi, thì con thú bị đổi, và con đổi, cả hai đều biệt riêng ra Thánh: không phép chuộc nó lại”. Tất cả những gì người Ysơraên có, phải dâng một phần mười cho Chúa. Những gì họ dâng cho Chúa, thì được kể là Thánh (Dân 4:20; 5:9; IISửký 31:6). Vì vậy, khi chúng ta dâng tiền cho Chúa, thì gọi là tiền Thánh, vì nó thuộc về Chúa và được Chúa dùng. Quyển sách mà chúng ta đọc là sách Thánh, quyển sách mà chúng ta hát là Thánh ca, hội mà chúng ta thuộc về là Hội Thánh.

su nen thanh

3-Ngày được kể là Thánh.

Xuất 20:8: “Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày Thánh”. Hãy làm ngày nghỉ ra Thánh. Chúa nhật có khác hơn ngày thường không? – Không. Cũng như bao ngày khác thôi. Nhưng chúng ta biệt riêng ngày ấy ra Thánh để thờ phượng Đức Chúa Trời. Nếu ai Chúa nhật đi làm bất cứ việc gì thì phạm sự Thánh, tức là biến ngày Thánh trở nên ngày phàm, cũng như Bênxátsa lấy vật Thánh đem ra uống rượu. Chúa nhật là ngày Thánh, là ngày mà toàn thể con cái của Chúa biệt riêng ra để thờ phượng Chúa mà thôi, nếu không ai đi Nhà thờ, thì ở nhà nghĩ ngơi suy gẫm Kinh Thánh và Cầu nguyện, ngoại trừ trường hợp đặc biệt mà Chúa đã dạy (Mat 12:9,13; Luca 14:1-5).

4-Năm được kể là Thánh.

Lêviký 25:10: “Các ngươi phải làm cho năm thứ năm mươi nên Thánh và rao truyền sự tự do cho hết thảy dân trong xứ”. Năm mươi năm một lần dân Ysôraên phải hoàn toàn phóng thích nô lệ, hủy bỏ nợ nần, chia đất nghỉ ngơi. Nếu tôi nghèo khổ quá, bán mình làm nô lệ cho một người nào, thì đến năm thứ năm mươi, tôi được tự do. Nếu tôi mắc nợ, phải cầm cố sản nghiệp, thì đến năm thứ năm mươi, tôi được sản nghiệp lại. Đó là năm hân hỉ, năm giải phóng , năm phước hạnh, năm Thánh.

5-Những người được kể là Thánh.

a Người Ysơraên.

Xuất 19:5-6: “Vậy bây giờ nếu các ngươi vâng lời Ta và giữ sự giao ước Ta, thì trong muôn dân các ngươi sẽ thuộc riêng về Ta, vì cả thế gian đều thuộc về Ta. Các ngươi sẽ thành một nước Thầy tế lễ, cùng một dân tộc Thánh cho Ta”. Đức Chúa Trời biệt riêng dân Ysơraên thuộc về Ngài, mặc dầu cả thế gian đều thuộc về Ngài, để qua họ Ngài ban sự khải thị là Kinh Thánh cho chúng ta. Vì vậy, dân Ysơraên là dân lựa chọn của Đức Chúa Trời, là dân Thánh (Phục 7:6; 14:2; 26:18-19; 28:9; Êsai 62:14).

b Thầy Tế Lễ.

Xuất 28:41;29:1: “Đoạn hãy lấy các bộ áo đó mặc cho Arôn, anh ngươi, cùng các con trai người, hãy xức dầu cho, và lập biệt riêng ra Thánh, để họ làm chức Tế Lễ trước mặt Ta”. Người biệt riêng ra để phục vụ Chúa được gọi là Thánh.

c Con đầu lòng của người và của súc vật.

Xuất 13:2; Dân số ký 3:13: “Trong vòng dân Ysơraên bất luận người hay vật, hãy vì Ta biệt riêng ra Thánh mọi con đầu lòng, bởi con đầu lòng thuộc về Ta”. Người Ysơraên kể con đầu lòng thuộc về Chúa, phải chăng vì đó mà chúng ta bắt chước kể con đầu lòng là thứ hai? Con đầu lòng được kể là Thánh (Dân 3:13).

d Sứ đồ.

Êphêsô 3:5: “Là lẽ mầu nhiệm trong các đời khác, chứ từng phát lộ cho con cái loài người, mà bây giờ đã được Đức Thánh Linh tỏ ra cho các Sứ đồ Thánh”. Sứ đồ là những vị Thánh.

e Tiên tri.

IIPhierơ 3:2: “Hầu cho ghi lấy lời nói trước của các Thánh Tiên tri”. Các Tiên tri được gọi là Thánh.

f Anh em trong Chúa.

Hêbơrơ 3:1: “Bởi cớ đó, hỡi anh em Thánh”. Tất cả chúng ta là những anh em Thánh, Hội của Đức Chúa Trời là Hội Thánh, con cái của Đức Chúa Trời là con cái Thánh, công dân của Đức Chúa Trời là công dân Thánh, nước của Đức Chúa Trời là nước Thánh.

g Chị em trong Chúa.

IPhierơ 3:5: “Vì các bà Thánh xưa kia…”. Các bà như Sara, vợ Ápraham, được gọi là Bà Thánh, vì họ được Chúa biệt riêng ra thuộc về Ngài, và Chúa đã trọng dụng họ. Phụ nữ là những Bà Thánh, những Cô Thánh có địa vị Thánh trong Chúa.

h Các tín hữu trong Hội Thánh.

Công vụ 9:15: “Anania thưa rằng: Lạy Chúa, tôi có nghe nhiều kẻ nói người nầy đã làm hại biết bao các Đấng Thánh của Chúa trong thành Giêrusalem”. Những tín đồ trong thành Giêrusalem được gọi là Thánh.

Công vụ 9:32: “Vả, Phierơ đi khắp các xứ, cũng đến cùng các Thánh đồ ở tại thành Lyđa”. Tại thành phố Lyđa có những tín đồ được gọi là những ông Thánh Bà Thánh.

Công vụ 9:41: “Phierơ đưa tay ra đỡ cho đứng dậy, đoạn gọi các thánh đồ”. Tức là các Thánh đồ trong Hội thánh tại thành phố Giópbê.

Công vụ26:10: “Thật tôi đã làm sự nầy tại thành Giêrusalem: Sau khi đã chịu quyền của các Thầy Tế lễ cả, thì tôi bỏ tù nhiều người Thánh”. Những tín đồ tại Giêrusalem được Phaolô gọi là người Thánh.

Rôma 1:7: “Gởi cho hết thảy những người yêu dấu của Đức Chúa Trời tại thành Rôma, được gọi làm Thánh đồ”. Mỗi chúng ta được gọi làm Thánh đồ tại Thành Phố Hồ Chí Minh, tại Việt Nam.

Rôma 8:27: “Đấng dò xét lòng người hiểu biết ý tưởng của của Thánh Linh thể nào, vì ấy là theo ý Đức Chúa Trời mà Ngài cầu thế cho các Thánh đồ vậy”. Mỗi chúng ta là Thánh đồ hay là người Thánh.

Rôma 12:13: “Hãy cung cấp sự cần dùng cho các Thành đồ”.

Rôma 15:25-26: “Nay tôi qua thành Giêrusalem đặng giúp việc các Thánh đồ. Vì người xứ Maxêđoan và xứ Achai vui lòng quyên tiền để giúp những Thánh đồ ở thành Giêrusalem”.

Rôma 15:31: “Hầu để tôi được thoát khỏi những người chẳng tin trong xứ Giuđê và của làm phước mà tôi đem qua thành Giêrusalem sẽ được các Thánh đồ vui lòng nhận lấy”.

ICôrinhtô1:2: “Gởi cho Hội Thánh Đức Chúa Trời tại thành Côrinhtô, tức là cho những người đã được nên Thánh trong Đức Chúa Giêxu Christ, được gọi làm Thánh đồ”, cũng gởi cho Hội Thánh của Đức Chúa Trời tại Thành Phố Hồ Chí Minh, tức là cho những người nên Thánh trong Chúa Giêxu, được gọi là Thánh đồ. Cảm tạ Chúa !

IICôrinhtô 8:4: “Và nài xin chúng tôi làm ơn cho họ có phần giùm giúp các Thánh đồ”.

IICôrinhtô9:12: “Tiền bố thí dường ấy chẳng những đỡ ngặt cho các Thánh đồ mà thôi, lại xui nhiều người càng thêm lòng tạ ơn Đức Chúa Trời”.

Đức Chúa Trời gọi tất cả chúng ta những người tin Chúa Giêxu là Thánh vì chúng ta được biệt riêng ra để thuộc về Ngài, đứng trong địa vị của Chúa Giêxu, Đức Chúa Trời luôn luôn thấy chúng ta là Thánh khiết. Dầu chúng ta yếu đuối bất toàn, nhưng Huyết của Chúa Giêxu luôn luôn tẩy sạch chúng ta để chúng ta lúc nào cũng được xứng đáng trước mặt Ngài.

Bất cứ người nào, bất cứ chỗ nào, bất cứ việc gì đã biệt riêng cho Chúa để thờ phượng, hầu việc Ngài thì được kể là Thánh. Vì vậy, Nhà thờ là Thánh, các vật trong Nhà thờ là Thánh, không thể cho ai mượn một cái ghế trong Nhà thờ để làm việc khác, sợ xúc phạm đến sự Thánh khiết của Chúa. Tiền bạc dâng cho Chúa là Thánh, Chúa nhật là ngày Thánh, Kinh thánh, Thánh ca là Thánh. Hội Thánh của Đức Chúa Trời tại Thánh Phố Hồ Chí Minh, tại bất cứ nơi nào trong đất nước Việt Nam, tại bất cứ nơi nào trong thế giới đượi gọi là Hội Thánh, tức là Hội của những người Thánh. Đó là ý nghĩa của sự nên Thánh theo địa vị.

Mục sư Đoàn Văn Miêng

Mọi thắc mắc cùng ý kiến đóng góp xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like