Home Giáo Lý Tin Lành Bài 14: Sự Thánh Khiết Của Giê-Xu Christ

Bài 14: Sự Thánh Khiết Của Giê-Xu Christ

by Ban Biên Tập
30 đọc

I. CHÚA GIÊXU LÀ ĐẤNG THÁNH KHIẾT :

1-Sứ đồ Phierơ đã trách dân Ysơraên chối bỏ Chúa Giêxu là Đấng Thánh khiết, mà xin tha tội cho một kẻ sát nhân là Banaba.

Công vụ 3:14: “Các ngươi đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công bình mà xin tha một kẻ giết người cho mình” , đó là điều đáng tiếc, do sự ngu dại của loài người.

2-Hội Thánh đầu tiên đã hiệp nhau trình lên Đức Chúa Trời về Hêrốt. Philát, dân ngoại, dân Ysơraên chống cự Đấng Thánh khiết là Giêxu.

Công vụ 4:27,30: “Vả Hêrốt và Bônxơ Philát, với các dân ngoại, cùng dân Ysơraên thật đã nhóm họp tại thành nầy đang nghịch cùng Đầy tớ Thánh của Ngài là Đức Chúa Giêxu mà Ngài đã xức dầu cho …Giơ tay Ngài ra, để chờ Danh Đầy tớ Thánh của Ngài là Đức Chúa Giêxu, mà làm những phép chữa lành bệnh, phép lạ, dấu kỳ”. Hai câu nầy xác nhận Giêxu là Đấng Thánh khiết.

3-Khi ma quỷ gặp Chúa Giêxu đi ngang qua tại một nơi nào, thì tự nhiên nó run lên và la lớn :”Ngài là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời” .

Mác 1:24: “Nó kêu lên rằng :Hỡi Giêxu, người Naxarét, chúng tôi với Ngài có sự gì chăng? Ngài đến để giết chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai, là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời”. Cả Kinh thánh nói Đức Chúa Trời là Đấng Thánh, Chúa Giêxu cũng vậy.

II. SỰ THÁNH KHIẾT CỦA CHÚA GIÊXU CÓ NGHĨA GÌ?

1-Ngài không có tội, không ô uế, biệt khỏi kẻ có tội.

Hêbêrơ 7:26: “Ấy đó thật là thầy Tế lễ Thượng phẩm mà chúng ta có cần dùng, Thánh khiết, không tội, không ô uế, biệt khỏi kẻ có tội, được cất lên cao hơn các từng trời”.

2-Ngài không có một vết tích tội lỗi nào cả.

Hêbêrơ 9:14: “Huống chi Huyết của Đấng Christ, là Đấng nhờ Đức Thánh Linh đời đời, dâng chính mình không tì tích cho Đức Chúa Trời”.

IPhierơ 1:19: “Bèn là bởi Huyết báu của Đấng Christ, dường như Huyết của chiên con không lỗi không vít”, tức là hoàn toàn Thánh khiết.

3-Ngài không hề có tội, vốn chẳng biết tội lỗi.

IGiăng 3:5: “Vả, các con biết Đức Chúa Giêxu Christ đã hiện ra để cất tội lỗi đi, và biết trong Ngài không có tội lỗi”. Chúa chúng ta hoàn toàn vô tội. IICôrinhtô 5:21: ” Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta”. Ngài hoàn toàn Thánh khiết nhưng mang lấy tội lỗi của chúng ta mà chết thay cho trên Thập tự giá.

4-Ngài chẳng hề phạm tội, mặc dầu Ngài phải đương đầu với những sự cám dỗ của ma quỷ nhưng luôn đắc thắng.

Hêbêrơ 4:15: “Vì chúng ta không có thầy Tế Lễ Thượng Phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối của chúng ta, bèn là có một thầy Tế Lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội”.

5-Ngài trong sạch trọn vẹn.

IGiăng 3:3: “Ai có sự trông cậy đó trong lòng, thì tự mình làm nên trong sạch, cũng như Ngài là thanh sạch”. Sự Thánh khiết của Chúa không có gì ví sánh bằng mà phải dùng ánh sáng : Khi nói về tội lỗi thì dúng sự tối tăm, nhưng nói về sự Thánh khiết, thì dùng ánh sáng. Kinh thánh bảo: “Đức Chúa Trời là sự sáng”. Chúa Giêxu phán : “Ta là sự sáng của thế gian”. Khi hoá hình trên núi thì áo của Ngài cũng như mặt Ngài sáng lòa như mặt trời.

su thanh khiet cua jesus

III. SỰ THÁNH KHIẾT CỦA CHÚA GIÊXU ĐƯỢC BÀY TỎ:

1-Ngài yêu sự công bình và ghét sự gian ác.

Hêbêrơ 1:9: “Chúa ưa điều công bình vàghét điều gian ác”. Con người chỉ được một phương diện là yêu điều Công bình. Nhưng Chúa Giêxu có cả hai phương diện :Tiêu cực và tích cực.

2-Ngài không hề phạm tội, mà làm đẹp lòng Đức Chúa Trời luôn luôn.

IPhierơ 2:22-23: “Ngài chưa hề phạm tội, trong miệng Ngài không thấy có chút chi dối trá. Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử đoán công bình . Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ…”. Sự Thánh khiết của Ngài được bày tỏ là Ngài chẳng những không hề phạm tội, mà luôn làm điều đẹp ý Đức Chúa Trời (Mat 3:17; 17:5 ;Giăng 8:29; 12:49).

3-Ngài đắc thắng sự cám dỗ luôn luôn. Khi dân Ysơraên theo xác thịt muốn tôn Ngài làm vua để được có bánh ăn thì Ngài tứ chối (Giăng 6:14-15). Khi người Hilạp muốn mời Ngài về làm giáo sư cho họ, Chúa gạt qua (Giăng 12:20-24). Khi Phierơ cám dỗ Ngài đừng lên Thập tự giá, thì Ngài quở trách ông (Nat16:22-23). Khi các môn đồ bỏ Ngài chạy trốn, thì Ngài vẫn thản nhiên (Mác 14:50). Ngài xin Đức Chúa Trời tha tội cho kẻ giết Ngài (Luca 23:33-34).

4-Ngài đòi hỏi mọi người phải ăn ở Thánh khiết.

Mathiơ 5:48: “Thế thì các ngươi hã nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ỡ trên trời là trọn vẹn” . Chữ ” trọn vẹn” đây nằm trong sự Thánh khiết, Ngài đòi hỏi như vậy vì Ngài luôn luôn Thánh khiết.

5-Ngài nghiêm trách tội nhân. Đối với thầy Thông giáo, người Pharisi là hàng Giáo phẩm, Chúa luôn luôn quở nặng về sự gia đình của họ, nhưng không ai dám phản ứng. Tại sao?-Vì họ biết Ngài là Đấng Thánh khiết (Mat 12:23;23:13,33;Giăng 4:17-18).

6-Ngài hi sinh vì tội nhân. Chúa Thánh khiết, không ai có quyền giết Ngài, nhưng Ngài đã tình nguyện chịu chết như một kẻ có tội vì cớ chúng ta, để cứu chúng ta khỏi tội (Gal 3:13;Iphi 3:18).

7-Tội nhân nào không ăn năn sẽ bị hình phạt.

Giăng 3:16: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” . Hễ ai không tin phải bị hư mất, tức là bị hình phạt.

Giăng 3:18: “Vả, Đức Chúa trời đã sai Con Ngài xuống thế gian chẳng phải để đoán xét thế gian đâu, nhưng hầu cho thế gian nhờ con ấy mà được cứu”. Nếu nhờ Ngài thì được cứu, nếu không nhờ ngài thì bị đoán phạt.

Giăng 3:36: “Ai tin Con thì được sự sống đời đời, ai không chịu tin Con thì chẳng thấy sự sống đâu;nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó” Ai tin Chúa Giêxu là Đấng Thánh khiết, vì mình chịu chết trên Thập tự giá thì được sự sống của Đức Chúa Trời, gọi là sự sống đời đời , ai không tin thì bị ở dưới cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời.

Dầu Chúa Giêxu đã sống 33 năm ở giữa trần gian tội lỗi, Ngài vẫn Thánh khiết, vì Ngài là Đức Chúa Trời.

IV. NHỮNG LỜI LÀM CHỨNG VỀ SỰ THÁNH KHIẾT CỦA CHÚA GIÊXU:

Từ Bạn hữu cho đến kẻ thù, từ người tốt cho đến người xấu, từ ma quỷ cho đến loài người đều làm chứng Ngài là Đấng Thánh khiết.

1-Sứ đồ Phierơ

Công vụ 3:14: “Các ngươi đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công bình”. Trước mặt nhiều người, kể cả chánh quyền và Giáo quyền, Phierơ mạnh mẽ lên an ủi họ đã phạm tội nặng. Chính tội đó mà dân Dothái phải bị tan lạc khắp Thế giới gần hai ngàn năm.

2-Sứ đồ Giăng.

IGiăng 3:5: “Vả, các con biết Đức Chúa Giêxu Christ hiện ra để cất tội lỗi đi và biết trong Ngài không có tội lỗi”. Ông quả quyết vì ông theo Chúa hơn ba năm, sống chung với Ngài từng giờ từng phút và ông thấy rõ rằng Ngài là Đấng Thánh khiết.

3-Sứ đồ Phaolô.

IICôrinhtô 5:21: ” Đức Chúa Trời đã làm Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta”. “Trở nên tội lỗi” không có nghĩa là lòng Ngài bị tội lỗi xâm chiếm, mà có nghĩa là chúng ta đặt hết tội lỗi của mình trên Chúa Giêxu và Ngài gánh vác cho, cũng như người Ysơraên ngày xưa dâng Tế lễ bằng con sinh thì đặt tay của mình lên đầu nó, mà xưng hết tội lỗi của mình ra, để nó chịu chết thay cho mình.

4-Hội Thánh đầu tiên.

Công vụ 4:27: “Vả, Hêrốt và Bônxơphilát, với các dân Ngoại cùng dân Ysơraên thật đã nhóm họp tại thành nầy đặng nghịch cùng Đầy tớ Thánh Ngài là Đức Chúa Giêxu mà Ngài đã xức dầu cho”. Đức Chúa Trời đã xức dầu, tấn phong Giêxu làm Cứu Chúa nhân loại.

5-Anania.

Công vụ 22:14: “Đoạn, người nói với tôi rằng : Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng ta đã định cho anh được biết ý muốn Chúa, được thấy Đấng công bình và nghe lời nói từ miệng Ngài”. Công bình cũng có nghĩa là Thánh khiết.

6-Anh trộm cướp trên Thập tự giá.

Luca 23:41: “Về phần chúng ta chỉ là sự công bình, vì hình ta chịu xứng với việc ta làm, nhưng người nầy không hề làm một điều gì ác”. Đó là phương diện tiêu cực, còn tích cực là Ngài hoàn toàn Thánh khiết.

7-Đội trưởng Lamã.

Luca 23:47: “Thầy đội thấy sự đã xảy ra, ngợi khen Đức Chúa Trời rằng : Thật người nầy là người công bình”. Cũng nói về phương diện Thánh khiết của Chúa Giêxu.

8-Vợ của Philát.

Mathiơ 27:19: “Quan tổng đốc đương ngồi trên Toà án, vợ người sai thưa cùng người rằng : Đừng làm gì đến người công bình đó, vì hôm nay tôi đã bởi cớ người mà chịu đau đớn nhiều trong chiêm bao”. Không biết là bà đã thấy gì, nhưng bà làm chứng Chúa Giêxu là người Công bình.

9-Tổng đốc Philát:

Giăng 18:38: “Philát trả lời rằng: Lẽ thật là cái gì? Khi ngươi đã nói vậy rồi, lại đi đến cùng dân Giuđa mà rằng :Ta chẳng thấy người có tội chi cả”. Và ông ta quyết trong Giăng 19:4: “Đây nầy ta dẫn người ra ngoài, để các ngươi biết rằng ta không tìm thấy người có tội chi”. Lần thứ ba trong câu 5: “Nhưng khi các thầy Tế Lễ cả và các kẻ sai thấy Ngài, thì kêu lên rằng : Hãy đóng đinh hắn trên cậy Thập tự, hãy đóng đinh hắn trên cây Thập tự ! Philát nói cùng chúng rằng: Chính mình các ngươi hãy bắt mà đóng đinh người, bởi vì về phần ta không thấy người có lỗi chi hết”. Ba lần ông xác nhận Chúa Giêxu vô tội.

10-Giuđa Íchcariốt.

Mathiơ 27:3-4: “Khi ấy, Giuđa là kẻ đã phản Ngài, thấy Ngài bị án thì ăn năn, bèn đem ba mươi miếng bạc trả thầy Tế Lễ cả và các Trưởng lão, mà nói rằng : Tôi đã phạm tội vì nộp Huyết vô tội”. Bây giờ ăn năn thì trễ quá rồi.

11-Ma quỷ :

Mác 1:23-24: “Vả, cũng một lúc ấy trong Nhà hội có người bị tà ám, kêu lên rằng : Hỡi Giêxu, người Naxarét, chúng tôi với Ngài có sự gì chăng? Ngài đến để diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai, là Đấng thánh của Đức Chúa Trời”. Ma quỷ cũng biết Ngài, nhưng nó không ăn năn. Người ta phê bình một câu về ma quỷ : “Thà làm vua ở Địa ngục còn hơn làm tớ ở Thiên đàng”.

12-Thánh linh.

Giăng 16:8-10: “Khi Ngài đến thì sẽ khiến thế gian tự cáo về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét. Về tội lỗi, vì họ không tin Ta, về sự Công bình, vì Ta đi đến cùng Cha và các ngươi chẳng thấy Ta nữa”. Loài người biết mình có tội, biết Chúa là Công bình. Theo luật Công bình họ phải ăn năn tin nhận Ngài, nhưng họ lại không tin, nên chính luật Công bình sẽ lên án họ, vì họ biết mà không làm theo điều mình biết.

13-Đức Chúa Cha trên trời đã hai lần tuyên bố rằng : “Nầy là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng ta mọi đường” (Mat 3:17;17:5).

14-Chúa Giêxu tự nhận Ngài là Đấng Thánh khiết.

Giăng 8:46: “Trong các ngươi có ai bắt Ta thú tội được chăng? . . . Nếu Ta nói lẽ thật, sao các ngươi không tin ta? “. Đây là mộ lời thách đố thật mạnh mẽ. Dầu bao nhiêu người ở trước mặt, Chúa đang lắng nghe, rình xem, tìm đủ mọi cách bắt bẻ Ngài, nhưng hết thảy đều ngậm miệng.

Ngài tha tội cho kẻ khác và xin Đức Chúa Trời cũng tha tội cho họ, nhưng Ngài không bao giờ nhận tội hoặc xin Đức Chúa Trời tha tội, vì Ngài hoàn toàn vô tội, hay là Thánh khiết trọn vẹn. Đó là lý do mà sự chết của Chúa Giêxu có đủ giá trị đền tội cho cả thế gian, và đó cũng là lý do khiến cho chúng ta tôn thờ Ngài, tin cậy, kính mến, phục vụ Ngài, và lấy làm hãnh diện cho mọi người biết về Ngài.

Mục sư Đoàn Văn Miêng

Bình Luận:

You may also like