Home Tôi Viết Chuyện Tình Lan Và Được

Chuyện Tình Lan Và Được

by Hồ Galilê
30 đọc

Tôi kể người nghe chuyện tình Lan và Điệp, một chuyện tình cay đắng”…! nhưng không phải thế. Tôi sẽ kể cho mọi người nghe một chuyện tình của gia đình tôi, tức là chuyện tình của Lan và Được. Một chuyện tình cay đắng nhưng ắp đầy những sự ngọt ngào trong tình yêu của Thiên Chúa. Chuyện tình không những Ma-ra trong tiếng Hê-bơ-rơ cổ của người Do Thái có nghĩa là cay đắng, nhưng câu chuyện nầy còn Na-ô-mi nữa… có nghĩa là ngọt ngào như ly cà phê được pha nhiều sữa cho một buổi sáng thơm nồng. Câu chuyện tình được viết để góp thêm vào vườn hoa tình yêu Cơ đốc những bông hoa tình ái đầy sức sống, những cuộc đời được nuôi dưỡng, những mái ấm gia đình được bình yên trong Chúa vì chúng ta được Chúa yêu, Ngài là Đức Chúa Trời của sự yêu thương. God is Love. Thượng đế là tình yêu.

Và câu chuyện ấy được bắt đầu:

Tôi tên là Được cô ấy tên là Lan. Hai chúng tôi chưa hề quen biết nhau, nhưng ba tôi và ba cô ấy lại rất thân nhau, bởi lẽ cả hai cùng ở trong một ban Chấp sự của một nhà thờ Tin Lành. Song ba cô ấy là Thư ký của Hội Thánh. Lúc bấy giờ, ba tôi thường hay ăn cơm và nghỉ trưa ở nhà ba cô ấy mỗi ngày Chúa nhật, hai người rất thân yêu nhau. Sở dĩ chúng tôi không biết nhau là vì sau năm 1975 tôi về định cư tại quê cũ ở xã Đại Đồng. Gia đình cô ấy từ Đà Nẵng không về cố hương ở làng Non Tiên xứ Đại mà định cư như gia đình tôi. Gia đình cô ấy lại về quê ngoại của ba cô ở Đại Quang, hai nhà chỉ cách nhau chừng bốn cây số, trên một con đường huyện lộ và nhà tôi cách xa nhà thờ Tin Lành chừng sáu cây số. Hai chúng tôi chưa sinh hoạt trong Hội Thánh với nhau bao nhiêu ngày, và cũng chưa quen biết nhau nhiều hơn. Thế rồi, một ngày của mùa tháng bảy mưa ngâu, tôi lên đường nhập ngũ mang theo hình bóng nhà thờ với những kỷ niệm của người thân thương. Ba tháng quân trường được huấn luyện ở sân bay nước mặn Non Nước – Đà Nẵng, sau đó chuyển về Thăng Bình rồi đi thẳng về vùng Cao nguyên Đaklak để đánh Phun-rô. Được một thời gian ngắn thì tôi lại tham gia chiến dịch ở chiến trường Tây Nam Cam-pu-chia. Cô ấy lúc bấy giờ thì ở nhà, rồi đi làm kế toán cho phòng Thương nghiệp tổng hợp huyện Đại Lộc và cô ấy có vài mối tình… nhưng cuối cùng cũng trở về với chuyện tình của Lan và Được…

Chuyện tình yêu chúng tôi bắt đầu cũng rất đơn giản, tôi biết Lan trong một ngày xuân nhật, khi tôi đã hoàn thành nghĩa vụ ở chiến trường về và tình cờ được đi chung trong chuyến du xuân cùng người bạn học, và cũng là bạn trong Hội Thánh nữa. Tôi đã thực sự sống nơi quê nhà, sau một thời gian được đào tạo ở Trường Quân chính Quân khu 7, nơi mà trước đây gọi là Trung tâm Vạn Kiếp, Bộ Tư lệnh và Sư đoàn Thủy quân Lục chiến của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đồn trú, cách Vũng Tàu không xa. Tôi trở về với quê nhà với hai tờ giấy phục viên và một tờ quyết định phong quân hàm cấp Thiếu úy của trường Sĩ quan Dự bị. Khi về nhà tôi được đào tạo để làm Biên tập viên cho một đài truyền thanh cơ sở Đại Đồng II. Những ngày đi thờ phượng Chúa chung trong nhà thờ, tôi biết rất ít về cô ấy. Nhưng rồi Chúa đem đến cho tôi cái tình yêu qua nhiều đêm cầu nguyện, thế nhưng tôi vẫn đắn đo toan tính…

Tình cảm của hai chúng tôi đã chín mùi nhưng chưa ai nói với nhau một lời. “Người lên ngựa kẻ chia bào
Tình trong như đã mặt ngoài còn e.”
Thi hào Nguyễn Du.

“Lân la người khách lạ nên quen
Rồi ngón tay mình chấp mối duyên
Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm chưa dễ mấy ai quên.”
Thế Lữ.

Tôi thường đến thăm Lan vào những đêm tối, rồi chúng tôi lại chia tay ra về. Mặc áo sơ mi trắng tay dài, là sở thích của tôi, cô ấy đưa tiễn tôi về và nói: “Con trai đàn ông phải mặc áo ngắn tay, nếu áo dài thì phải xoăn lên để cho khỏe khoắn, mới tỏ ra  là đấng nam nhi. Vừa nói, cô ấy vừa xoăn tay áo của tôi lên, nhưng tôi có ngờ đâu với động tác âu yếm đó, cô ta đã trao bức thư định mệnh cho một mối tình mà cô ta đã quyết định, rồi  hai chúng tôi lại chia tay trong sự luyến lưu nuối tiếc. Tôi đi một mạch bằng xe đạp về nhà trong đêm tối, mà lòng bâng khuâng khó tả. Về đến nhà tôi cởi chiếc áo sơ mi ra treo trên đầu chiếc đinh trên cây gỗ, tôi thả cánh tay áo dài xuống, thấy vật gì trăng trắng rơi xuống đất, dưới ánh đèn mờ ảo, vì lúc đó chưa có điện về đến thôn quê. Tôi cúi xuống nhặt và mở ra thì đây là một bức thư viết bằng mực tím. Nội dung lá thư như sau:

…Một đêm Lan trằn trọc với bao nhiêu sự suy nghĩ và đây cũng chẳng phải là lần đầu tiên mà Lan bước vào tình yêu, ấy thế mà sao Lan thấy mình là kẻ khổ tâm quá đổi, càng nghĩ nhiều về Được, Lan thấy như mình phải mất Được ở ngày mai. Được ơi! cái tình cảm chợt thoáng đến trong lòng Được đó chẳng phải là tình yêu thực sự, có lẽ Được thương hại Lan chăng ? Điều ấy rất có thể… nhưng mà Được ơi! Lan không muốn một ai thương hại mình hết, nhất là trên lĩnh vực tình yêu, thương hại là một điều tối kỵ đối với Lan. Lan không muốn mình là kẻ thỉnh cầu trước cá nhân ai, điều đó Được hiểu chứ? Đôi lúc cái tự ái trong người không cho phép Lan suy nghĩ nhiều về Được nữa. Nhưng mà Được ơi! không hiểu sao trái tim Lan vẫn còn thổn thức và xót xa lắm mỗi khi thương nhớ về Được người mà ngay bước đầu Lan chỉ nhìn bằng một sự cảm mến để rồi đến bây giờ trong chiều sâu của suy nghĩ Lan thấy mình khổ tâm hết sức.

Tình yêu ước mơ nào rồi cũng vụt tắt sau một lần cháy sáng hay sao, yêu Được để làm gì sao Lan không có một ngày hạnh phúc? Liệu hai chúng ta có còn mãi núp dưới bóng cây Thập Tự hay không? Lan tin chắc rằng con đường của chúng ta đi sẽ là mảnh đất bằng gai chông, sẽ chẳng bao giờ mọc lên để ngăn cản lối đi của chúng ta, đừng bao giờ lấy duyên cớ lý do để đánh lừa nhau nghe Đươc? Được ơi! Lan lại khóc cứ nghĩ đến ngày ra đi thì nỗi nhớ thương Được lại càng nhân lên, Lan không biết mình sẽ sống ra sao trong những tháng ngày sắp đến. Thành phố mà Lan sẽ sống sẽ chẳng bao giờ mang lại cho Lan niềm vui bằng con đường cát bụi có gió tung bay mà Lan vẫn thường hay nói với Được. Được ơi! Lan thương Được nhiều lắm! Được có biết không? Được có hiểu như thế không? Lan lại khóc.

Xuân 1983.

Đọc xong lá thư ấy, nước mắt tôi tuôn trào trong đêm tối, nhưng tôi không cho ai trong gia đình biết cả, ngay cả người mẹ già vẫn còn thao thức chờ đợi hàng đêm mong con trở về. Rồi một ngày trôi đi thật chậm chạp, nó kéo dài như một thế kỷ, tôi mong cho mau đến tối, sẽ đến trả lời bức thư ấy cho nàng sau bao tháng ngày ôm một mối tình câm. Một hôm, tôi gởi cho nàng bức thư hồi âm, kèm trong tập một bài hát mà tôi khá công phu sưu tầm, giữ nó để đem về từ chiến trường từ những ngày bom đạn  ác liệt, những kỷ vật ấy vẫn còn nguyên vẹn, lá thư ấy mang tình yêu khát vọng trao nàng, với những dòng chữ yêu thương:
Những tia nắng nồng nàn, những niềm vui ấm áp là những bức thư tình trĩu nặng yêu thương, đến với anh thật ngọt ngào như con suối nào giữa trưa hè cho anh tắm mát, giữa sa mạc buồn tênh. Anh cảm ơn em, đã không quên anh, như quên một buổi sáng xuân nào bất chợt, ba nghìn sáu trăm giây trôi qua thật ấm áp vô vàn, anh viết thư trả lời cho em đó. Ở trên đời này không thiếu gì những ngôn từ gian dối trao đổi cho nhau, nhưng không phải tất cả là thế, phải không em? Anh yêu em, vâng ! Anh rất yêu em, lời nói dường như trùng lặp ngàn lần, nhưng không bao giờ nhàm chán. Thập Tự giá và tình yêu của Chúa sẽ ở hoài bên cạnh chúng ta em nhé!
Xuân Được – 1983.

Rồi thời gian trôi đi, Lan lại lên thành phố Đà Nẵng để làm kế toán cho một Hợp tác xã kinh doanh phường Thanh Lộc Đán quận Thanh Khê, tôi vẫn đến thăm cô ấy vào những chiều thứ bảy. Chuyện tình của chúng tôi cũng có lúc hờn dỗi vu vơ, rồi chúng tôi tìm cách làm lành với nhau ngay sau, đó vì Chúa dạy chúng tôi: “Chớ căm giận đến khi mặt trời lặn”có nghĩa là đừng để sự giận hờn qua đêm, tức là kéo dài sang ngày khác. Những khi hờn ghen, giận dỗi tôi thấy lòng mình buồn vô bờ bến:
“Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu đọng lại một ngày dài ghê.”
Nguyễn Du.

Một ngày buồn giận nhớ thương kéo dài những tưởng như ba mùa thu dồn lại đó bạn à! Nhưng rồi, có một ngày thật đẹp trời, hôn lễ của chúng tôi cũng được tổ chức, có Mục Sư cử hành lễ long trọng, có ca đoàn của Hội Thánh, có cả một giàn đàn Organ đạp bằng hơi, lúc ấy là sang trọng lắm. Ngày hôn lễ, đàng trai nhà tôi đi bộ đường dài bốn cây số. Toàn bộ phim chụp ảnh ngày ấy đã bị lỗi kỹ thuật nên bị hỏng tất cả, chỉ còn lại một tấm ảnh duy nhất, nhưng đến bây giờ không biết nó nằm ở đâu? Vì đã nhiều lần di chuyển dọn dẹp đồ đạc trong những mùa mưa gió bão lụt, nhưng điều ấy cũng không sao cả.
Đám cưới chưa được bao lâu tôi phải bị đi tù, tôi chẳng có tội gì cả, nhưng tình hình chính trị địa phương lúc ấy có nhiều biến động, tôi bị người ta nghi ngờ tôi làm sự dữ, tôi bị hàm oan. Ngày tôi bị bắt là đêm ba mươi tết, trời tối đen như mực. Chiếc xe Jeep của Cảnh sát áp giải tôi đi vào tù, chạy băng băng trong đêm tối mù mịt,  tôi nhìn thấy bóng dáng Lan đi tìm tôi bằng xe đạp ngược chiều trong đêm tối mịt mùng đơn độc. Tôi kêu thật to, thật to nhưng mà nàng không hay biết gì cả. Tôi vào tù ở chung với những kẻ chung thân, tử hình hơn một năm rưỡi, tôi được trở về vì mình không có tội gì cả. Những ngày ấy, Lan rất đau khổ, có những đêm cô ấy hoảng hốt la to “Đừng đánh anh ấy, đừng đánh anh ấy, anh ấy không có tội, anh ấy không có tội…” thật tội cho Lan. Trong căn phòng cô tịch những đêm tân hôn, cô ấy nằm một mình bơ vơ với chiếc gối lạnh, cô ấy làm rất nhiều thơ và cứ ví mình như  nữ sĩ Tương Phố ngày xưa khóc chồng khi họ bị ly biệt:
“Em khóc tình như Tương Phố ngày xưa
Gửi tâm trạng trên những dòng thơ nhỏ”.

…Trong đó tôi thích một bài, trong một bài xin được trích một đoạn :

“…Đêm nay đây trong căn buồng cô vắng
Em lạc loài trong bóng tối mênh mông
Nhìn gối thêu hạnh phúc với màu hồng
Chiếc gối lạnh nằm đợi chờ ai đó?
Công lý ơi biết bao giờ sáng tỏ ?
Trả anh về hạnh phúc của riêng em!”.
Bài thơ não lòng, như gióng lên một hồi chuông kéo theo nỗi oan ức  thương đau, tội hơn cả là cô ấy hàng tháng vẫn đến thăm nuôi tôi với thân hình tiều tụy, cô ấy có một bài thơ thăm nuôi :
“Em vẫn đến thăm nuôi không ngần ngại
Dù đường xa heo hút chỉ mình em
Anh ở đâu em vẫn cứ đi  tìm
Từ phố hội đến Hòa Sơn xa tít
Em vẫn sống vì anh không mỏi mệt
Không than phiền, không trách phận đâu anh
Tiền bán buôn em cố gắng để dành
Nuôi anh sống trong những ngày tù tội.”

Ngồi trong tù mà tôi vẫn cứ hình dung bóng dáng cô ấy đổ dài trên con đường nhựa nắng cháy hoặc tó xiêu khi mùa mưa gió đi qua, thật tội nghiệp cho Lan vô cùng. Cảm tạ ơn Chúa, ngàn lần cảm tạ Chúa! một ngày tôi được trả tự do vì mình vô tội, tôi đã gặp lại và chung sống với nàng.
Những đứa con lần lượt ra đời. Phong là tên đứa con trai đầu, Sương là tên đứa con gái thứ hai, hai đứa sinh cách nhau bốn năm. Ngày tôi yêu cô ấy, tôi vẫn thường hay viết nhật ký, sau này nếu có con gái anh không đặt tên con lót chữ “Thị” như bao người. Anh muốn tránh đi cái tập tục phong kiến, cổ hủ lâu đời, nhưng khi làm khai sinh tôi lại quên bẵng nên vẫn khai lót chữ “Thị”, nên giờ nó vẫn còn trách móc, nhưng chuyện đã qua rồi cũng chẳng sao, chuyện nhỏ mà. Còn cái tên Phong là tên ông ngoại đặt cho nó, tôi đặt tên nó là Vỹ (nhân vật Triệu Vỹ) một kỹ sư canh nông trong tác phẩm Bên dòng sông Trệm của nhà văn Dương Hà. Xuất bản năm 1952. Tôi rất thích cái tên này, vì cuốn tiểu thuyết ấy vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. Nhưng ông ngoại nó không thích tên đó, tôi nói thì (Vũ) vậy, nhưng ông ngoại cũng không bằng lòng. Con hãy đặt tên nó là Phong đi, Phong là gió tôi đồng ý. Khi Phong hơn một năm tuổi, Lan chở nó về thăm ông ngoại, giường ông ngoại ngay cạnh cửa sổ, Phong trèo lên song cửa sổ đung đưa vui thú, làm ông ngoại ra bốn câu thơ:
Cu Phong con có ăn chơi
Mong con khỏe mạnh cháu ơi ông mừng
Con là cháu nhỏ ông cưng
Ngày con khôn lớn dễ chừng còn ông?
Nhưng rồi, ông ngoại cũng đã về với Chúa năm 2001 khi Phong bước vào lớp bảy, học Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Du.  Giá ông ngoại Chúa cho còn sống đến hôm nay, chắc ông bà ngoại cũng không ngờ, giờ đây Phong là Thạc sĩ văn của Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng khóa 34 năm 2010.

Sau này mới nhận ra cái tên H. X. Phong lại là tên của một Mục sư người cùng họ tộc nhưng khác chi phái mà thôi. Tháng ngày trôi qua, vợ chồng chúng tôi vẫn ruộng đồng, than củi, bán buôn để sống qua ngày, nhưng một lòng trung tín thờ phượng Chúa. Suốt mười ba năm liền tôi làm Thư ký cho một Hội Thánh Tin Lành, và gần hai mươi năm cùng làm việc trong Ban Chấp sự Hội Thánh Tin Lành Trường An, tôi làm việc không mệt mỏi vì tôi yêu Chúa. Phong, Sương nó được lớn lên trong một hoàn cảnh như vậy. Chúng nó được học ở trường làng, rồi đến những trường cao hơn, sự vui mừng chưa trọn vẹn, nhưng cuộc đời không ai ngờ được. Lan phải trải qua những ngày bạo bệnh trong vòng hai năm, cô ấy phải trải qua ba lần giải phẫu. Mỗi lần giải phẫu xong, Lan được đưa ra khỏi phòng mổ, nhìn các bác sĩ đi sau các cô y tá đẩy chiếc giường trên chiếc xe hướng về phòng hồi sức đặc biêt, thân hình Lan được phủ một tấm màn màu xanh kín cả người, đã ba lần tôi đều chứng kiến tim tôi đau nhói xót xa, nước mắt lưng tròng với lời thầm nguyện xin Chúa cho nàng mau khỏe. Có một lần trong giai đoạn giải phẫu đầy cam go, cần truyền ba bịch máu, mỗi bịch 250cc, lúc ấy có một thanh niên trong Hội Thánh Tin Lành Tân An – Thành phố Đà Nẵng tình nguyện hiến tặng một bịch, chị ruột của cô ấy cho một bịch còn một bịch nữa là của chính tôi.

Lạ lùng thay, Lan đã được Chúa chữa lành trọn vẹn, và hơn thế nữa sau này nhiều người khen cô ấy: Chị Lan trẻ ra, chị Lan đẹp vô cùng, tôi rất sung sướng và tự hào, nhưng tôi chưa bao giờ khen cô ấy một lời để khích lệ, không phải vì tôi ích kỷ nhưng tôi e rằng cô ấy sẽ lên mình và “dằn mặt tôi chăng” hi. Lại cũng có nhiều người cũng khen tặng tôi dạo này trẻ, đẹp trai và trắng trẻo, chắc do hơn mấy tháng sống ở Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng, ở trong phòng râm mát, nên da dẻ tôi được trắng chăng ? chứ tôi không phải là hình ảnh một ông già tuổi non nửa thế kỷ, thế mà làm sao tôi lại không vui được. Đến ngày Phong vào đại học, nó lên thành phố Đà Nẵng nhập học thì cũng là lúc mẹ nó đi làm cho một tổ chức thiện nguyện Tin Lành tên là Fida International nuôi dạy trẻ em khiếm thính ở thành phố Đà Nẵng, do người Tin Lành nước ngoài  tài trợ. Nhưng mấy năm sau, tổ chức này phải giải thể, Lan rất lo lắng không có việc làm để nuôi con ăn học. Thế rồi Đức Chúa Trời yêu thương, Ngài đã đưa cô ấy đến làm ở một Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Đường phố Or. Phan voice Đà Nẵng cho đến ngày nay. Với đồng lương ít ỏi cần kiệm thiếu trước hụt sau, cô ấy đã nuôi được hai đứa con hoàn thành hệ đại học chính quy. Thằng Phong giờ đã tốt nghiệp Thạc sĩ văn trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, lễ tốt nghiệp nó nhận với số điểm khá cao, đó là thang điểm 9,2 cho một hồ sơ bảo vệ luận văn tốt nghiệp Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tài sản quý báu nhất của vợ chồng tôi bây giờ ấy là hai đứa con, đúng như lời Chúa. Bông trái tử cung là phần thưởng, con cái là cơ nghiệp Chúa cho không gì sánh được.

Một Hoàng tử và một Công chúa. Hoàng tử đã tốt nghiệp chương trình đào tạo Cao học. Đã nhận bằng Thạc sĩ văn chương năm 2012 của Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Đang có kế hoạch bước tiếp trên đường học vấn. Chúa cho nó có ân tứ hát ngợi khen Chúa trong các chương trình Truyền giảng Tin Lành cho các Hội Thánh trong khu vực Thành phố Đà Nẵng. Chúa cho nó có ân tứ đàn Organ, Guitar và gần đây phát triển thêm đàn Piano. Nó ham thể thao và mê bóng đá. Nó đang trú ngụ tại một nhà thờ Tin Lành để tập sự phục vụ Chúa. Hội Thánh cử nó làm Trưởng ban An sinh. Nó thích chăm sóc cây kiểng trong nhà thờ, tập hát cho các ban ngành, đàn cho Hội Thánh trong chương trình thờ phượng. Có lần, Mục sư giao cho chia sẻ truyền giảng cho giới trẻ, đêm đó có 15 bạn tin Chúa, nó điện thoại báo tin vui cho Ba biết. Mẹ và em có đi dự để ủng hội tinh thần. Nó lo dắt xe dùm cho con cái Chúa, đặc biệt cho người lớn tuổi, sau giờ nhóm ra về. Nó thích hát và làm thơ như Ba nó!…

Hiện nay nó đã có tổ ấm uyên ương, xây dựng gia đình cùng cô bé Lê Thị Thu Thảo. Hai đứa thật đẹp đôi, cao ráo, mạnh mẽ. Thảo dạy mầm non cho một Trường Việt – Nhật Đà Nẵng, cô bé nầy múa rất đẹp, tôi rất thích. Bây giờ thì vợ chồng Phong – Thảo đang sống ở Sài Gòn, đang hầu việc Chúa cùng một Hội Thánh mới. Chúa cho Phong đã qua một số lần phỏng vấn từ các Giáo sư Thần học. Nguyện vọng muốn được học lời Chúa từ một Chủng viện Tin Lành nước ngoài. Nếu ý Chúa được nên trên cuộc đời của hai con tôi, thì có thể năm 2016 nầy sẽ đi Australia học Kinh-Thánh. Nhưng mọi sự không như mình mong muốn, Phong phải ở nhà, Chúa dùng Phong như một công cụ mục vụ giúp cho Mục sư Quản nhiệm. Hiện nay Phong đang theo học chương trình hàm thụ Online của trường Thần học (Union Univer sity of California) gọi tắt là Trường UUC hệ Cao học Thần học và Mục vụ. Cảm tạ ơn Chúa vô cùng, khi tôi viết Truyện ngắn CHUYỆN TÌNH LAN VÀ ĐƯỢC bổ sung, thì Phong đang đứng lớp, là giảng viên cho một lớp học Cao đẳng và Cử nhân Union University of California môn Việt Nam học. Con Sương em nó cũng đã ra trường khi tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng khoa Quản trị Kinh doanh, nó đã có việc làm vài  năm nay rồi, công ty của nó là New Life Korea. Cảm tạ Chúa, Ngài quá nhân từ với gia đình của chúng tôi. Hiện nay, cô nàng đang làm việc cho một công ty Hàn quốc Samsung iMarket Korea – Sài Gòn.

Gia đình chúng tôi mỗi tháng gặp mặt đoàn tụ một đến hai lần, những lần như vậy đều làm mỳ Quảng với gà nhà, do tôi nuôi trong vườn, ăn thật ngon miệng với lời cảm tạ ơn Chúa. Mỳ quảng và bánh tráng thịt heo là đặc sản của người Quảng Nam đó các bạn ơi !

Công việc của tôi là ở nhà chăm sóc ruộng vườn nhà cửa và làm năm sào ruộng nước tạm đủ ăn. Tôi dành thời gian phần lớn đề hầu việc Chúa với một Hội Thánh Baptist (Nam Phương) xa nhà 50 km, tôi phải dậy ra đi thật sớm lúc trời hãy còn tối bưng để đến kịp giờ cầu nguyện và dự lớp học trường Chúa nhật. Mục sư Quản nhiệm Hội Thánh luôn yêu thương và tạo cho tôi nhiều cơ hội để phục vụ Chúa như chia sẻ giảng dạy lời Chúa, còn gì sung sướng cho bằng. Tôi vẫn có những bài thơ để ca ngợi Chúa mỗi khi Hội Thánh có các sự kiện lớn trong năm. Nhiều năm trước đây, tôi đã hoàn thành tập thơ với chủ đề Tình Thơ dày 106 trang gồm 70 bài dài ngắn khác nhau, đây là những bài thơ tập hợp từ năm tôi mười sáu tuổi vào đời biết chập chững làm thơ, rải rác, tản mạn thu gom lại cho đến ngày hôm nay. Tôi đã in nó ra 70 tập giấy trắng bìa hình màu thật đẹp và có giấy gương bảo vệ, để tặng cho những người thân yêu cùng ca ngợi Chúa. Những ngày cuối năm thật sự có ý nghĩa với đời tôi, đó là tôi đã viết những bài thơ Giáng Sinh ca ngợi Chúa được đăng tải trên mạng lưới Tin Lành Việt Nam toàn cầu Hội Thánh.com… và cũng đã bốn năm trôi qua, theo con số tôi lập danh mục vào sổ dễ chừng có khoảng trên dưới 300 bài thơ, những bài thơ lần lượt ra đời được đăng tải  trên mạng Sống Đạo Online, Hội Thánh.com, Hội Thánh Tin Lành Vĩnh Phước Org, Nhiều bài bình thơ từ Oneway Radio, được thực hiện qua nhiều giọng đọc, và giọng ngâm thật ngọt ngào được phát sóng Radio. Cảm tạ ơn Chúa thêm một lần nữa, Hướng Đi Ministries cũng đã từng cho đăng truyện và thơ tôi, điều mà tôi không bao giờ nghĩ tới, nhưng ơn lành của Chúa đã theo đời tôi vì Ngài phán “Ngài yêu ai thì Ngài yêu đến cuối cùng” và “Ngài làm ơn đến ngàn đời cho những kẻ yêu kính Ngài”. Mùa xuân đã đến, chuyện tình của chúng tôi cũng được khép lại với lời thơ xuân phỏng theo Kinh Thánh sách Nhã ca 2: 11-13 để vườn xuân tình yêu thêm phong phú ngọt ngào. Để chuyện tình của Lan và Được như một thức hương có mùi thơm dâng lên Thiên Chúa hài lòng… như một bản trường ca tôn ngợi Thiên Chúa tình yêu với lòng biết ơn sâu sắc.

Muôn hoa đua nở dưới trời!
Ô hay! Xuân đã đến rồi sao em?
Mưa đông vừa dứt bên thềm
Tiếng chim cu hót êm đềm rừng mai
Cây vả ra trái xum xuê
Nho đang tỏa ngát bốn bề hương thơm
Em ơi! xuân đến gió vờn!
Đôi ta cùng hát cùng đờn yêu đương
Núi đồi thung lũng nẻo đường
Oanh ca Phượng múa thêm vườn xuân vui
Đó đây rộn rã tiếng cười
Ngày xuân trên đất đẩy lùi thở than
Vườn xuân ca hát hân hoan
Uyên ương hạnh phúc ngập tràn niềm yêu
Vườn xuân mở lối sớm chiều
Em ơi đón nhận lời yêu chân thành
Muôn hoa đua nở long lanh
Thì ra xuân đã sẵn dành cho em
Mưa đông vừa dứt bên thềm
Chuyện tình Lan Được càng thêm ấm nồng./.

Ghi chú:
(Bổ sung 2016 – Bản gốc đăng trên Sống Đạo Online khi tham gia viết truyện ngắn VIẾT CHO NIỀM TIN năm đầu dự thi 2012)

HỒ GALILÊ – 2013 – 2016.

Bình Luận:

You may also like