Home Cho Người Việt Ý Nghĩa Lễ Vu Lan Và Sự Dạy Dỗ Của Thánh Kinh

Ý Nghĩa Lễ Vu Lan Và Sự Dạy Dỗ Của Thánh Kinh

by Hồ Galilê
30 đọc

Lễ này trùng với Tết Trung nguyên của người Hán, và cũng trùng hợp với ngày Rằm tháng 7 Xá tội vong nhân của phong tục Á Đông. Theo tín ngưỡng dân gian, là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng Cô Hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên Dương thế để thờ cúng, và là ngày mọi tù nhân ở Địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sanh về cảnh giới an lành. Vào “tháng cô hồn” (tháng 7 âm lịch), người Trung Quốc và người Việt Nam theo phong tục dân gian tin là tháng không may mắn và có những điều kiêng kỵ, cũng như là khuyến khích ăn chay và làm việc từ thiện. Trong ngày lễ nầy, người con có bổn phận, có cơ hội để đền ơn đáp nghĩa cho cha mẹ, ông bà, nên con gọi là Lễ báo hiếu hay Vu Lan Bồn. Thế nhưng Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời đã giải bày chân lý nầy qua hai chủ đề:

Sự HIẾU KÍNH và Sự THỜ PHƯỢNG đúng cách. Mời Qúy vị và các bạn suy gẫm.

Dẫn nhập:

Khi con người cảm thấy ngoại giới có một thứ năng lực hơn năng lực của mình thì trong lòng xuất hiện ý muốn thờ lạy, nếu đem ý muốn ấy ra tổ chức hóa hoặc nghi thức hóa thì nó sẽ trở thành tôn giáo. Tôn giáo giúp con người hướng đến những điều chân thiện mỹ, thế nhưng Tôn giáo không cứu được bất cứ ai bởi lẽ tất cả các lãnh tụ Tôn giáo đều chết, đều nằm trong phần mộ không thể sống lại được, duy chỉ có Đức Chúa Giê-Su là Đấng từ kẻ chết sống lại mà thôi. Hai giáo lý căn bản sau đây và cũng là hai trong mười điều răn, xin được trình bày dựa trên nền tảng Thánh Kinh:

1/SỰ HIẾU KÍNH

Sách Xuất Ê-díp-tô ký 20:12 chép: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất, mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho”.

Người Việt Nam thường tôn trọng chữ hiếu và mong cho cha mẹ sống lâu gia đình được phước, vì thế họ lập bàn thờ ông Thiên ngay trước cửa nhà, người con có hiếu thường đêm đến trước bàn thờ cúng khẩn:

“Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con”.

Chịu ảnh hưởng của đạo đức Khổng giáo, Lão giáo nên người Việt Nam thường bảo nhau về cách sống cho phải đạo, nhất là đạo làm con, đạo vợ chồng:

“Đạo làm con chớ hững hờ
Phải đem hiếu kính mà thờ mẹ cha”.

Hoặc:

“Người trồng cây hạnh người chơi
Ta trồng cây đức để đời mai sau”.

Thế nhưng, vẫn còn nhiều người quan niệm rằng Đạo của Chúa hay đạo Tin Lành nói riêng, là đạo Tây phương, đạo của Mỹ không thích hợp với Á đông. Vì không dạy con cái hiếu kính với ông bà cha mẹ, không biết thờ cúng ông bà cha mẹ khi qua đời. Khi có người tin Chúa, thờ Chúa theo đạo Tin Lành một số người cho họ là không làm tròn đạo làm con vì không được phép thờ cúng ông bà. Tuy nhiên đọc kỹ lời Chúa chúng ta thấy Chúa dạy điều răn thứ năm: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất, mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho”, điều này nói lên một cách mạnh mẽ rằng: Đối với Chúa trong tất cả bổn phận con người đối với nhau, thì bổn phận con cái đối với cha mẹ là bổn phận quan trọng nhất. Theo Nho giáo thứ tự ưu tiên trong đời sống con người là: Quân – Sư – Phụ.

Nghĩa là:

Trước hết chúng ta làm tròn bổn phận đối với Vua hay người lãnh đạo đất nước, vì đó là người thay mặt Trời để hướng dẫn chúng ta, sau đó đến bổn phận đối với các bậc Thầy, vì Thầy là người dạy dỗ ta và cuối cùng là bổn phận đối với cha mẹ. Đạo của Chúa thì ngược lại, dạy chúng ta phải chu toàn bổn phận đối với Đức Chúa Trời trước nhất, vì Ngài là Đấng tạo dựng nên chúng ta (Thiên sinh nhơn). Sau đó đến bổn phận đối với ông bà, cha mẹ, vì là điều răn đầu tiên trong sáu điều răn còn lại dành cho loài người.

Đạo Chúa xem trọng bổn phận làm con, vì đây là điều răn căn bản ảnh hưởng sâu đậm đến các bổn phận khác. Nếu một người không hiếu kính cha mẹ, không tôn trọng cha mẹ thì khi ra đời, người đó không yêu thương người xung quanh, và cũng không phục dưới thẩm quyền nào. Nếu một người con không yêu, thương tôn trọng khi còn nhỏ, lúc đi học sẽ không kính trọng Thầy giáo và khi ra đời ắt sẽ ngang ngược. Người tin Chúa biểu lộ hiếu kính với ông bà cha mẹ chủ yếu khi ông bà cha mẹ lúc còn đang sống, còn khi ông bà cha mẹ qua đời con cháu lo chôn cất chu đáo theo lễ nghi của Hội thánh, trang nghiêm trong tinh thần tiếc thương hy vọng, ngoài ra không hương đèn, bài vị không van vái người đã chết. Vì lẽ người Tin Lành không làm theo phong tục cổ truyền, nên một số đồng bào cứ lầm tưởng là họ bỏ ông, bỏ bà, thậm chí có người cho là bất hiếu.

Có đạo nào dạy con người bất hiếu không? Đạo dạy bất hiếu sao là đạo được? Câu hỏi đặt ra: Tai sao người tin Chúa không thờ cúng ông bà cha mẹ?
Khi đã thờ Chúa thì không được thờ cúng ông bà cha mẹ vì những lý do sau đây:

Chúa dạy: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi” điều răn thứ năm, không hàm ý là cúi lạy cha mẹ khi cha mẹ còn sống, hay thờ cúng khi cha mẹ qua đời. Con người không  thể thờ lạy con người, dù là ông bà cha mẹ đi nữa. Phúc âm Giăng 10: 3 “Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta”. Vả lại, lập bàn thờ cho ông bà cha mẹ khi qua đời không phải là cách duy nhất bày tỏ sự hiếu kính. Thầy Tăng Tử có dạy: “làm một con gà cho cha mẹ ăn lúc còn sống còn hơn là vật trâu vật bò cúng tế khi cha mẹ qua đời”.

Kinh Thánh có nói rõ trong sách Gióp 7: 9 (bản diễn ý) rằng cha mẹ ông bà người đã chết không trở về:

“Người nhìn tôi rồi đây không thấy nữa
Trong phút giây đời tôi đã qua rồi
Người đã chết không bao giờ trở lại
Nơi cố hương nào ai còn hay biết”.

Trên thế giới có trên 2 tỷ người tin và thờ Chúa, họ không có bàn thờ, không cúng lạy, chẳng lẽ họ đều bất hiếu cả sao? Chúng ta thờ cúng ông bà cha mẹ người đã chết, là chúng ta đã phạm tội với Đức Chúa Trời, vì đó là thờ lạy vật thọ tạo thay cho Đấng Tạo Hóa. Mặt khác sự thờ cúng theo phong tục cổ truyền tức là thờ 5 bài vị: Cao, Tằng, Tổ, Khảo, Hiển (thờ ngũ đại chi mai thần chủ). Khi có người trong Tộc qua đời con cháu đem vào chỗ ông Hiển, chỗ thấp nhất, đưa ông Hiển lên ông Khảo, đưa ông Khảo lên ông Tổ, đưa ông Tổ lên ông Tằng, đưa ông Tằng lên ông Cao… rồi bỏ ông Cao đầu tiên, cứ như thế mà bỏ lần làm sao thờ hết cho được?

Một điều chúng ta  lầm tưởng là người chết trở về hưởng hơi, ban phước, giáng họa thì thật là sai lầm. Chúng ta biết rõ là người chết không thể trở về như đã trình bày ở trên, nhưng họ ở một nơi giam giữ chờ Chúa xét xử. Nhiều người lúc cha mẹ còn sống hắt hủi không tôn trọng, không phụng dưỡng lúc đau ốm nhưng khi chết thì thờ cúng, rước dàn nhạc đánh suốt đêm không cho hàng xóm yên nghỉ. Đem cúng những món ngon vật lạ thì chẳng ích chi, mỗi dịp giỗ chúng ta tốn kém bao nhiêu tiền bạc cho việc sắm sửa hoa quả, áo quần, đốt bao nhiêu là vàng mã, thậm chí có người còn gửi cả xe Taxi, xe Dream, Dola địa phủ nữa, thử hỏi những thứ đó người bên kia làm sao sử dụng? Có người còn tính toán làm những nải chuối bằng nhựa, những cây hương điện tử đủ màu chớp nháy, thì mùi vị đâu mà hưởng hơi, thật là dối giổ lọc lừa… Người tin Chúa chú trọng khi ông bà cha mẹ lúc còn sống thật chu đáo, khi qua đời thì lo tròn bổn phận, có điều kiện thì xây cất mộ phần. Tổ chức lễ kỷ niệm không nhất thiết hằng năm, để nhớ ơn người sinh thành dưỡng dục ta, và ta phải sống một cuộc đời tốt đẹp đạo hạnh kính Chúa, yêu người làm gương sáng trước mặt mọi người. Trong dịp kỷ niệm bà con tập họp lại để cảm tạ Đức Chúa Trời, cầu nguyện để Chúa ban phước cho người còn sống, những vật thực dọn lên không phải để người chết hưởng bèn là một bửa tiệc thân mật tạo nên một bữa ăn yêu thương đồng cảm với trong tinh thần gắn bó với nhau.

2/SỰ THỜ PHƯỢNG

Sách Tin Lành Ma-thi-ơ 4:10 “Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời của ngươi và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi”.

Người ta thường hay lầm tưởng sự hiếu kính và sự thờ phượng lẫn lộn với nhau. Quan điểm Kinh Thánh rõ ràng: “Hiếu kính dành cho con người – Thờ phượng dành cho Đức Chúa Trời.

Người Việt Nam biết ông Trời và cầu khẩn ông Trời, kêu Trời khi gặp hoạn nạn “Trời ơi!”. Khi vui đùa nhưng khi có từ Trời thì xưng hô ông Trời, người Tin Lành tôn thờ Ngài nên xưng tụng Ngài là Đức Chúa Trời.

Một cô gái quê vui đùa hỏi bạn trai:

“Thấy anh hay chữ em hỏi thử đôi lời
Thuở tạo Thiên lập địa ông Trời tròn ai xây”.

Người Việt Nam sống với nông nghiệp nên luôn tâm niệm:

“Lạy Trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm”.

Truyền tụng ông Trời bằng những câu ca dao:

“Nhờ Trời mưa gió thuận hòa
Nào cày nào cấy trẻ già đua nhau
Lạy Trời mưa thuận gió đều
Cho đồng lúa tốt cho chiều lòng em”.

Hay là:

“Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con”.

Trong hôn nhân lứa đôi, người Việt tin tưởng hạnh phúc vợ chồng là do ông Trời sắp đặt: “Duyên ba sinh đã sẵn dành” hay “Lương nhơn do túc đế, giai ngẫu tự Thiên thành”. Khi thấy chuyện không may hoặc tình duyên không thành người ta thường ngửa mặt lên Trời than thở dường như muốn nói với Đấng Hóa Công hết nỗi lòng của mình:

“Chữ bạc mệnh ai ơi thấu với
Câu đa đoan Trời hỡi thấu chăng”.

Tự tình ngâm khúc của Cao bá Nhạ.

Trong cung oán ngâm khúc cũng có câu:

“Quyền họa phúc Trời dành hết cả
Chút tiện nghi chẳng trả phần ai”.

Thi hào Nguyễn Du khuyên trong truyện Kiều:

“Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn Trời gần Trời xa
Thiện căn cũng bởi lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Kết luận truyện Kiều ông viết:

“Ngẫm hay muôn sự tại Trời
Trời kia đã bát làm người có thân
Bắt phong trần, phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.

Người Việt Nam tin Trời: “Thiên sinh vạn vật duy nhơn tối linh” chỉ có con người có linh hồn tối cao.

Lịch sử Việt Nam có ghi chép danh tướng Lý Thường Kiệt trong lúc chống lại quân Tống xâm lăng đã làm 4 câu thơ và loan truyền là do Thần linh báo mộng ban cho để khích lệ quân sỹ tinh thần yên tâm đánh giặc:

“Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tuyệt nhiên định phận tại Thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẵng hành khang thủ bại hư”.

Học giả Hoàng xuân Hãn đã dịch như sau:

“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành một phận ở sách Trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Bay sẽ tan tành chết sạch tôi”.

Có sách dịch:

“Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.

Áp dụng chiến tranh tâm lý mượn oai Trời kết quân lính nức lòng đánh giặc, quân Tống không tiến được đành giảng hòa. Câu chuyện nói lên niềm tin mãnh liệt của dân tộc Việt nơi sự tể trị của Đấng Tạo Hóa, trong đó vận mệnh Dân tộc, Quốc gia do Trời định đoạt:

“Nước non là nước non Trời
Ai xây được nước ai dời được non?.

Thưa Quý vị và Các bạn thân mến!

Còn biết bao điều thú vị  tục ngữ ca dao nói lên lòng người đối với Trời là Đấng Tạo Hóa, quay trở lại với Kinh Thánh 4 điều trong 10 điều răn mà con người phải thờ phượng Đấng Tạo Hóa. Không tạo hình, không tạc tượng vì Ngài là Thần linh. Giăng 4:24 “Vì Đức Chúa Trời là Thần nên ai thờ lạy Ngài phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy”. Các chiêm tinh gia thời xưa đều là những người hiểu biết uyên thâm cũng đã tìm đến thờ lạy Chúa Giê-su khi Ngài giáng sinh. Khi Chúa Giê-su bị cám dỗ trong đồng vắng nhịn đói 40 ngày đêm, ma quỷ đến cám dỗ phải thờ phượng nó, thì nó sẽ ban cho các nước trong thế gian, nhưng Chúa Giê-su phán: “Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi”. Ma-thi-ơ 4:10.

Điểm khác biệt Tôn giáo Á đông là hay thờ lạy hình tượng, điều mà Đức Chúa Trời nghiêm cấm, họ thờ lạy vật thọ tạo thay cho Đấng Tạo Hóa là Đấng đáng được tôn thờ.

Con người tốn rất nhiều công sức đi tìm Đấng Thượng Đế, trong khi đó đạo Chúa tiết lộ Đức Chúa Trời tìm kiếm con người qua thân vị Chúa Giê-su, con người hữu hạn không thể tìm đến Đấng vô hạn càn khôn. Con người không thể lấy sức riêng để đến Thiên đàng, nhưng Đức Chúa Trời là Đấng toàn năng có thể đem Thiên đàng đến cho nhân loại. Chúa Giê-su phán: “Ta là đường đi chân lý và sự sống”.Giăng 14: 6. Nếu chúng ta muốn đến được với Đức Chúa Trời để thờ phượng Ngài thì chúng ta phải tin Chúa Giê-su vì Ngài là nhịp cầu dẫn chúng ta đến với Đức Chúa Trời.

Có nhiều người muốn trở về thờ phượng Đức Chúa Trời, muốn theo đạo Chúa để được sự cứu rỗi, nhưng còn ngại một số điều không chính đáng. Chẳng hạn như sợ Thần linh, sợ ông bà trách phạt, sợ người ta nói không trung thành với đạo cũ, sợ tội tỗi nhiều quá Chúa không tha, sợ theo Chúa phải lánh xa những thú vui như rượu chè, cờ bạc, trai gái v.v..

Chúng ta tin Chúa Giê-su, thờ phượng Đức Chúa Trời là chúng ta được làm con của Ngài. Chúng ta không sợ ai nữa, vì Đức Chúa Trời là Đấng tối cao tể trị muôn loài vạn vật, tể trị con người chúng ta.

Trong sách Tin Lành Ma-thi-ơ 16:26 có chép: “Nếu một người được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình thì ích chi, vậy thì lấy chi mà đổi linh hồn mình lại?”. Linh hồn là cao quý, linh hồn do Chúa ban cho, rồi một ngày Ngài sẽ đòi lại.

Ở trên đời này chúng ta lo mua bảo hiểm vật chất, nhà cửa, xe cộ, nữ trang chúng ta bỏ ra một món tiền nhỏ mua bảo phí trong hiện tại để bảo vệ những mất mát rủi ro trong tương lai. Tại sao chúng ta lại không lo mua bảo hiểm cho linh hồn đời đời của mình? Tại sao chúng ta lo chuẩn bị những chuyến đi xa như cắm trại, nghỉ hè, du lịch v.v.. nhưng chúng ta lại không lo chuẩn bị cho chuyến ra đi đời đời của mình?

Có khi nào Quý vị và Các bạn ngồi đây mà suy nghĩ ngày mai cuộc đời mình sẽ ra thế nào? Sau khi chết mình sẽ đi về đâu? Thế thì quý vị sẽ nói, vâng! Tôi sẽ mua bảo hiểm linh hồn, nhưng giá là bao nhiêu và mua bằng cách nào? Xin thưa: Kinh thánh Tin Lành Giăng 3:16 chép: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời”. Giá của bảo hiểm này là “vô giá” vì không thể dùng tiền bạc mà mua được. Nhưng lạ lùng thay, là Đức Chúa Trời ban cho chúng ta cách nhưng không với một điều kiện tiên quyết đó là phải đóng bảo phí: “TIN” nghĩa là phải: “TIN” công ơn cứu chuộc của Chúa Giê-su đã chết đền tội cho con người trên Thập tự giá đã hàng ngàn năm qua rồi.

Có một câu chuyện có thật:

Khi nhà tỷ phú người Mỹ là Haward  Huyhes qua đời năm 1976, ông để lại một tài sản khổng lồ 3 tỷ mỹ kim, theo báo chí tường thuật khi được đưa vào bệnh viện khẩn cấp Houston trước khi chết ông chỉ có  một tấm khăn choàng trên người mà thôi. Khi ra đời chúng ta chỉ có hai bàn tay trắng và lúc chúng ta qua đời cũng trắng tay vậy thôi, bộ đồ liệm thi thể chúng ta cũng không có túi áo, những hàng nút áo cũng bị người ta cắt bỏ. Vua Minh Mạng có rất nhiều hoàng tử và công chúa, ông có rất nhiều cung tần mỹ nữ được sũng ái, có một ái phi của ông qua đời mà ông chưa một lần chăn gối, ông đau buồn đem một thỏi vàng đặt vào tay nàng và nói: “Ta không đủ thời gian cho nàng, xin nàng tha lỗi cho ta”.

Thưa quý vị cùng các bạn thân mến!

Chúng ta có thời gian để sống, vậy hãy tin nhận Chúa Giê-su ngay hôm nay, chúng ta sẽ được Chúa tha tội và nhận làm con yêu dấu của Ngài như Chúa đã phán: “Còn nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác”.1Giăng 1:9. Và 1Giăng 1:7 “Huyết của Đức Chúa Giê-Su con Ngài làm sạch mọi tội chúng ta”.

Ước mong qua bài chia sẻ này, Qúy vị và Các bạn sẽ nhận biết được sự hiếu kính thật là như thế nào? Vì ai trong chúng ta cũng đều có Tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Chúng ta sẽ làm theo lời Chúa dạy trong Knh Thánh, thì chúng ta sẽ được phước, và chúng ta phải biết mình là loài thọ tạo phải trở về thờ phượng Đấng Tạo Hóa, Đấng dựng nên mình, tức là Thượng Đế, là Đức Chúa Trời để mình được làm con của Ngài.Amen!

Muốn thật hết lòng…!

Hồ Galilê – Hạ 2016. 

Bình Luận:

You may also like