Home Tôi Viết Hai Số Phận Khác Nhau

Hai Số Phận Khác Nhau

by Hồ Galilê
30 đọc

Nắng và nóng. Con đường đất khúc khuỷu lắm ổ gà, bụi bặm và gió rác. Thái Duy quệt mồ hôi trên trán, nhắm con đường hẻm phía trước mặt có nhiều cây xanh để vào đó nghỉ trưa.

Một không gian yên tĩnh, Thái Duy tìm một gốc mít ngồi nghỉ ngơi. Mát mẻ lạ… Cảm tạ Chúa…

Tối nay cậu chia sẻ Kinh Thánh cho một điểm nhóm, bài đã chuẩn bị sẵn. Thái Duy ngồi kiểm tra lại đoạn Kinh thánh Tin Lành Lu-ca 16: 19-31 Câu chuyện Người giàu có và La xa rơ với Đề tài: Hai số phận khác nhau.

Là nhân sự của Hội Truyền giảng Phúc âm, hỗ trợ cho Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam) HTTLVN (MN) với mục vụ mở mang Hội Thánh mới. Thái Duy luôn tâm niệm một điều, là phải giải cứu những kẻ đang đùa đến sự chết. Đây là sứ mạng Chúa giao, và cũng là cam kết của cậu với Chúa khi được đào tạo trở thành nhân sự Truyền giáo.

Tiếp tục hành trình cho một buổi chiều… đi trên con hẻm với những hàng mít dài tít tắp, lá rất xanh, cây cành xum xuê. Cây nào cũng cho nhiều quả và khóm đầy thân. Dân trong con hẻm nầy tập trung làm nghề đóng trống các loại, nên được gọi là Làng Trống, cũng là xóm thờ hình tượng nhiều nhất. Nhà nào cũng ít nhất có là từ ba khóm thờ trở lên, thậm chí có nhà thờ đến cả chục khóm quanh nhà. Nào là khóm Thần tài, Thổ địa, khóm ông Thiên, khóm Bà Tổ cô và khóm thờ các vị Thần chuồng. Chuồng heo, chuồng bò v.v…

Thái Duy biết rằng Sa tan đã thấy sự mê muội của con người nên chúng thống lĩnh cái xóm nhỏ ấy… Cần cầu nguyện hủy phá công việc Sa tan và đồn lũy chúng nó. Cần có ánh sáng Tin Lành văn minh đem sự cứu rỗi đến cho mọi người. Thái Duy cầu nguyện rồi tiếp tục ra đi…

Thấy quán cà phê cóc bên đường có hai thanh niên đang ngồi, Thái Duy dừng xe vào ngay. Anh gọi một chai nước Sprite và ngồi cạnh họ. Qua lời chào hỏi xã giao ban sơ, rồi cả ba cũng thành thân nhau.

Thái Duy hỏi:

– Hai bạn người ở làng nầy hay từ đâu đến?

Thanh Lâm lên tiếng:

– Bọn em người làng nầy, nhà ở gần đây thôi. Có dịp mời anh ghé thăm. Em là sinh viên Đại học Sư phạm Đà Nẵng còn Phước Nguyên bạn em là sinh viên Cao đẳng Công nghệ Thông tin.

Thái Duy… wow… Cảm ơn Chúa.

Hai người ngạc nhiên khi nghe Thái Duy nói cảm ơn Chúa.

Họ hỏi:

– Hình như anh người từ đâu đến thì phải? Anh tên là gì?

– Mình tên là Thái Duy người bên kia sông Vu Gia, ở Vùng A đó!

Phước Nguyên hỏi tiếp:

– Anh làm gì mà qua tận bên nầy xa thế?

Thái Duy trả lời:

– Anh đi làm chứng nhân cho Chúa Giê-su.

Hai bạn đồng hỏi cùng một lúc:

– Vậy anh là người Công giáo hay là người Tin Lành?

Thái Duy trả lời:

– Vâng, anh là người Tin Lành em ạ!

Thế là cả buổi chiều hôm đó, họ mua luôn chỗ ngồi mà không rời chỗ quán. Họ tâm sự cùng nhau. Thái Duy làm chứng về Chúa Cứu Thế Giê-su. Trước khi chia tay với họ, Thái Duy tặng họ vài cuốn Truyền đạo đơn với lời mời tối nay đến dự tại điểm nhóm. Họ đồng ý.

Đúng hẹn… Vì họ là sinh viên mà.

Thúy Hạnh hướng dẫn chương trình có lời chào mừng hai bạn.

Thái Duy giới thiệu Thanh Lâm và Phước Nguyên cho anh chị em trong điểm nhóm làm quen.

Chương trình thờ phượng được bắt đầu. Một bài hát khởi sự: Mau đến theo Giê-su Thánh ca số 160 được cất lên. Giai điệu thật ấm áp, thật sâu lắng. Sau là lời cầu nguyện khai lễ của Triệu Vũ – một nhóm trưởng Thanh niên.

Sau đó là phần chia sẻ lời Chúa của Thái Duy:

Phần Kinh thánh hôm nay chúng ta cùng học ở sách Tin Lành Ma-thi-ơ đoạn 25 câu 45 với Đề tài: HAI SỐ PHẬN KHÁC NHAU.

Thái Duy nhấn mạnh đến phần thứ ba, cũng là phần nội dung quan trọng mang thông điệp nhằm kêu gọi Thành Lâm và Phước Nguyên tin nhận Chúa. Thái Duy trình bày thật rõ ràng:

Cả hai đều chết và đi xuống mộ phần, chôn cất phần xác nhưng nơi ở của hai linh hồn nầy hoàn toàn khác nhau. Một người đang ở một nơi mà Kinh thánh nói là nơi sung sướng để được an ủi đó là lòng Áp ra ham. Còn người kia đang ở nơi đau khổ và hai người bị chia cách bằng một vực sâu không đáy câu 26. Ai muốn từ đây qua đó và muốn từ đó lại đây cũng không được.

Như vậy, chúng ta thấy có tương quan giữa đời này và đời sau. Đời này tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng quan trọng, thời gian sống trên đất là quý báu vô cùng. Mọi người sinh ra trên đời này đều được Thượng Đế ban cho số ngày để sống. Thi thiên 139:16 “Mắt Chúa đã thấy thể chất vô hình của tôi; số các ngày định cho tôi, Đã biên vào sổ Chúa trước khi chưa có một ngày trong các ngày ấy.”

Tuy nhiên, chúng ta không biết số ngày ấy là bao nhiêu, cho nên trong cõi hiện tại tôi và quý vị đang sống đây, là cơ hội quý báu. Đừng bê trễ, đừng đánh mất mọi cơ hội… kẻ giàu đã đánh mất cơ hội chỉ biết ăn sung mặc sướng hưởng thụ mà không quan tâm đến người nghèo. Luật pháp Môi Se đã ghi là phải yêu kẻ lân cận như mình, ông là người Do Thái mà không làm theo luật pháp Chúa. Không làm theo điều răn của Đức Chúa Trời.

Mọi việc làm của chúng ta ở trong cõi đời nầy đều được định giá ở cõi đời sau. Khi đã đi đến cõi đời đời rồi, thì không một ai có thể thay đổi số phận mình được. Không có chuyện cầu nguyện cho người chết siêu thoát, không có cầu siêu, cầu hồn nào mà hiệu quả được, như một số Tôn giáo vẫn thường làm, vì đây là chân lý, là lẽ thật.

Linh hồn không trở về, không có quyền ban phước giáng họa cho bất cứ một ai. Linh hồn cũng chẳng hưởng hơi mỗi khi con người cúng giỗ… có chăng là sự trá hình của ma quỷ Sa tan mà thôi. Tin Lành Giăng 5:28-29 chép: “Chớ lấy điều đó làm lạ, vì giờ đến khi mọi người ở trong mồ mả nghe tiếng Ngài mà ra khỏi, ai làm lành thì sống lại để được sống, ai làm dữ sẽ sống lại chịu xử đoán.” Và Ma-thi-ơ 25:46 “Rồi những người nầy vào hình phạt đời đời, còn những người công bình sẽ vào sự sống vĩnh cửu.”

Đời này ngắn ngủi chóng qua, nhưng vô cùng quan trọng, vì nó quyết định cho số phận đời đời của mỗi một chúng ta, tùy thuộc vào thái độ chúng ta đối với Đức Chúa Trời. Lời Chúa Tin Lành Giăng 3:16 “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài hầu cho hễ ai tin con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” Và Tin Lành Giăng 3:36 “Ai tin Con thì được sự sống vĩnh cửu, ai không chịu tin Con thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người ấy.”

Thiên đàng hay địa ngục là tùy mỗi chúng ta lựa chọn khi còn sống trên đất này, chúng ta tin hay khước từ con Thượng Đế. Tóm lại, sự chết cho người không tin Chúa là một thảm họa, là một án phạt. Sự chết thể xác dẫn đến sự chết tâm linh, và sự chết đời đời phân rẽ với Đấng Tạo Hóa mãi mãi ở nơi cực hình. Sự chết của người tin Chúa là một giấc ngủ chờ đợi sự cứu chuộc của Chúa Giê-su để bước vào sự sống vĩnh cửu, khi ngày Chúa Giê-su tái lâm chung kết cõi đời.

Trong trích đoạn một bài thơ Huy Xuân mà Huy Cận viết tặng Xuân Diệu khi mà Xuân Diệu đã qua đời trước đó đã lâu, tức là lúc 7 giờ 40 phút tháng 12 năn 1985 như sau:

Biển lớn băng qua ấy biển đời
Biển vào vũ trụ ánh sao mời
Diệu dò thế giới bên kia trước
Khỏi lạ đường đi Cận tới nơi.

Sầm Sơn 27.07.1986

Người tin theo Chúa Cứu Thế Giê-su, thì không phải tìm đường dò lối mới biết mình sẽ về đâu sau khi qua đời. Nhưng họ biết ngay, là khi Chúa cất họ đi thì lập tức họ gặp được Ngài ở nơi Thiên đàng đầy phước hạnh. Vậy hai bạn cần tiếp nhận lời nầy ngay hôm nay, để nhận được sự cứu rỗi.

Thúy Hạnh dành thời gian cho mỗi người cầu nguyện và sau đó cô kêu gọi:

– Mời hai bạn hãy xác quyết niềm tin và mạnh mẽ lên nào…

Anh em tiếp tục thầm nguyện.

Vậy là, Thánh Linh Chúa đã tác động Thanh Lâm và Phước Nguyên, hai bạn  đồng ý tuyên xưng đức tin, để được cầu nguyện tiếp nhận Ngài.

Cảm tạ ơn Chúa vô cùng.

Trước khi ra về, điểm nhóm có thông công bằng bánh ít ngọt, một loại bánh dân dã thật ngon, của một gia đình tín hữu tình nguyện dâng hiến, thật vui vẻ, ấm cúng vô cùng. Tất cả đều ra về với lòng hân hoan phước hạnh.

Những ngày về lại Trường học tập, hai bạn được các bạn sinh viên Tin Lành giúp đỡ, sinh hoạt đều đặn. Phước Nguyên có dịp về thăm nhà, cậu ấy luôn làm chứng cho cha mẹ và các em. Phước Nguyên nhờ Thái Duy thường xuyên đến nhà làm chứng cho gia đình của họ. Chúa cũng đã cho cả gia đình cậu trở về tiếp nhận Chúa.

Một ngày vui trọn vẹn cho gia đình Phước Nguyên, cậu có nhã ý mời Thái Duy đến thăm gia đình và cầu nguyện để gia đình cậu hủy phá đồn lũy Sa tan. Thái Duy rất mừng vì có một Phước Nguyên mạnh mẽ và dũng cảm. Một ngày, tại nhà Phước Nguyên sau lời Chúa được Thái Duy công bố và sau đó là lời cầu nguyện đầy năng quyền. Tất cả khóm thờ Thần tượng đều tự tay ba mẹ Phước Nguyên gở bỏ và thiêu hủy. Điểm nhóm thêm đông người, rộn rã tiếng cười tươi.

Ngược lại, Thanh Lâm sau lần tiếp nhận Chúa ấy, cậu ta có đi nhóm lại đôi lần với sinh viên. Về sau thấy thưa thớt dần. Không rõ nguyên nhân, nên Phước Nguyên luôn đưa nan đề cầu nguyện cho bạn mình. Nhưng rồi Thanh Lâm bỗng dưng bỏ học cuối năm thứ ba của Trường Đại học Sư phạm. Sau nầy mới biết lý do cậu bỏ Chúa, vì bị cô người yêu ruồng bỏ. Thanh Lâm tuyệt vọng không tin vào Chúa nữa. Nguyên nhân sâu xa, ấy là cậu ta tuy tin theo Chúa, được học kỹ giáo lý căn bản ấy thế mà mỗi khi về nhà, cậu tiếp tục thờ lạy Thần tượng. Âý là điều mà linh Sa tan đã quay trở lại hành hạ chàng.

Ba năm sau…

Tại Hội trường lớn Trụ sở Uỷ ban nhân dân Xã Quang Đại, một phiên tòa phúc thẩm giết người cưỡng hiếp một nữ sinh trung học được diễn ra. Tòa án Nhân dân Tỉnh Quảng Nam tổ chức công khai xét xử điển hình tại địa phương nơi xảy ra vụ trọng án.

Thái Duy bàng hoàng lắng nghe vị Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân đọc bản cáo trạng:

… Một buổi chiều ngày 5 tháng 8 năm 2010:

Tại trạm bơm điện Thủy lợi gần dốc Động Hà Sống bên đường Quốc lộ 14b. Trên đường đi mua các loại lư hương đồng, các loại chiên trống của người dân tộc Ka tu từ làng A Chom trở về. Trời mưa lớn đột ngột, Thanh Lâm một thanh niên người Làng Trống bên kia sông Vu Gia vào núp mưa. Trạm bơm vắng người, không hoạt động.

Cũng trên con đường ấy có một nữ sinh đang học lớp 12 Trường Chu Văn An vào trú mưa. Vì mưa ướt hết cả áo quần, mà một nữ sinh với quần áo dài trắng nên lồ lộ từng đường nét trên cơ thể làm cho Thanh Lâm không kiềm chế nỗi dục vọng của y.  Uất Trâm không ngờ trong trạm lại có một thanh niên, cô bẽn lẽn vội rời trạm. Nhưng rồi không thoát bàn tay của kẻ dâm tặc. Hắn ta đã cưỡng hiếp Uất Trâm.

Uất Trâm quyết sống chết với hắn ta để bảo toàn trinh tiết. Một cuộc giằng xé không khoan nhượng. Nhưng làm sao được, một nữ sinh phận bồ liễu chân yếu tay mềm. Thú tính lên cực độ, hắn mất cả tính người, xé hết quần áo của nạn nhân. Uất Trâm phải dùng đến ngón đòn duy nhất, là cắn vào tay hắn thật sâu, nhưng càng làm cho Thanh Lâm quyết tâm hơn. Hắn ta phải dùng hết sức của một gã thanh niên bóp cổ Uất Trâm để rồi thực hiện hành vi đê tiện của mình. Uất Trâm đã chết trong chiều sẫm tối đó, mà không một ai hay biết gì cả.

Gia đình, bạn bè, trường lớp ra sức tìm kiếm.

Vậy là, Cảnh sát khu vực phải điều tra. Công an Tỉnh Quảng Nam vào cuộc. Thanh Lâm đã rời hiện trường ngay trong đêm đó. Lệnh truy nã được ban ra khắp nơi. Một thời gian dài sau đó, Cảnh sát Cam pu chia đã dẫn độ về giao cho Công an Quảng Nam, mới có ngày xét xử hôm nay. Người đi xem như đô hội, không chỗ chen chân.

Sau khi Hội đồng xét xử nghỉ mười lăm phút để nghị án. Vị thẩm phán cùng cả Hội đồng đứng lên nghe lời Tuyên án tử hình Nguyễn Thanh Lâm phạm tội cưỡng dâm giết người theo điều luật.

Trở lại với Phước Nguyên thì sao? Mất một người bạn cùng niềm tin làm Phước Nguyên buồn lắm. Nhưng cậu quyết tâm hơn, khi ba năm xong chương trình Cao đẳng Công nghệ Thông tin, cậu tiếp tục học liên thông lên Đại học. Khi lấy mảnh bằng tốt nghiệp Đại học xong, thì Phước Nguyên xếp bút nghiên mà thi vào Trường Kinh Thánh (Thần học viện). Phước Nguyên đã tốt nghiệp với loại ưu.

Cậu được trở về Phụ tá cho Mục sư Quản nhiệm Hội Thánh Tin Lành An Trường, và được bổ về lo điểm nhóm Làng Trống mà bây giờ là Hội nhánh với cái tên Đại Bình rất đổi thân thương. Được Ban Tôn giáo Tỉnh Quảng Nam công nhận. Hội nhánh Đại Bình tiếp tục phát triển. Ai đó có dịp đi qua cầu Quảng Huế về hướng Vùng B Đại Lộc, ngược đường lên, qua chợ Cường Thịnh một đoạn nhìn bên trái đều thấy tên Hội Thánh Tin Lành Đại Bình như sừng sững hiện hữu tự thuở nào…

Thái Duy vui mừng nhớ lại trong ngày Lễ Kỷ niệm 70 Thành lập Hội Thánh Tin Lành An Trường, có nhắc tới câu chuyện cách đây gần 90 năm của cái ngày xa xưa ấy:

Những hạt giống trái đầu mùa của Hội Thánh Tin Lành An Trường những năm đầu thập niên hai mươi của thế kỷ trước. Lớp người như các cụ Thủ Tề, Xã Chỉ, Hoàng Thông v.v… họ đi nhà thờ An Trường phải đi bộ qua bãi cát nóng, rồi lên đò ngang qua con sông Vu Gia. Trưa về phải vượt qua bãi cát  nắng nóng, bỏng cả chân người mà họ vẫn vui. Không biết ngày ấy các cụ có mong muốn có được nhà thờ được mọc lên ở xứ Ô Gia Bắc, Ô Gia Nam nầy không nhỉ?

Bây giờ là sự thật. Ý Chúa thật tốt lành.

Thái Duy, bây giờ không còn là Nhân sự của Hội Truyền giảng Phúc Âm nữa. Hội đã đổi tên là: Hội Thánh Truyền Giảng Phúc Âm. Đã độc lập để lo công việc Chúa trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Hội Thánh phát triển mạnh mẽ nhất là vùng đồng bào Dân tộc thiểu số, từ vùng Cao nguyên Lâm Đồng, Gia Lai, Kon tum và Đak lak đến các vùng sơn cước Tây bắc hẻo lánh xa xôi.

Thái Duy vẫn dành mỗi tháng cho một ngày Thờ phượng Chúa chung cùng Hội thánh Đại Bình. Kỷ niệm phôi thai chiếc nôi của những ngày ấy vẫn còn âm hưởng đến tận bây giờ.

Sáng nay, ngày Chúa nhật được lời mời của Thầy Phụ tá, kiêm lo công việc Hội Thánh Đại Bình, Thái Duy vinh hạnh có lời Chúa cùng mọi người.

Bài chia sẻ vẫn là: Tin Lành Ma thi ơ 25: 45 với đề tài: HAI SỐ PHẬN KHÁC NHAU được dịch câu gốc nầy theo bản diễn ý của Cố Mục sư Tiến sỹ Lê Hoàng Phu: “Rồi người ác bị đưa vào nơi hình phạt đời đời, còn người công chính được hưởng sự sống vĩnh cửu”.

Thưa các bạn!

 Đời người là một con đường một chiều, đi từ lúc sinh ra cho đến lúc chết. Trên con đường đó không ai có thể trở lại được.

Nhưng con đường một chiều không phải là một con đường cụt không lối thoát, mà là con đường dẫn đến một hướng nhất định. Chúng ta được mời gọi để bước vào con đường ấy, khi mà Chúa Giê-su đã phán: “Chính Thầy là đường đi chân lý và sự sống, ai đến với Thượng Đế mà không qua Thầy”. Tin Lành Giăng 14:6
Hoàng hôn lặng lẽ buông xuống, những ráng vàng còn sót lại sau một ngày chầm chậm trôi qua, hình thể trông như những dải mây nắng mỏng manh đang vắt ngang chân đồi của Núi Sơ Gà, một làn gió mơn man thổi, đưa Thái Duy qua cầu Ái Nghĩa, bỗng dưng anh nhớ lại hai bài thơ trong dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Thánh Tin Lành An Trường, ngày ấy anh làm Thư ký Hội Thánh đã sưu tầm và viết vào kỷ yếu:
“… Lại cũng từ dòng sông nầy, trên thị trấn nhỏ bé nầy cách đây khoảng 70 năm về trước, gia đình ông bà Biện Toản ở Ái Nghĩa có hai người con đi tắm sông không may bị nước cuốn trôi, kẻ chống đối Tin Lành đã làm một bài thơ Đường để sỉ nhục Đạo Chúa, bài thơ ấy như sau:

“Theo đạo chồng tôi thật nhiệm mầu
Báp têm làm lễ dưới sông sâu
Đường trời lặng lẽ lên quên thở
Nước Thánh mênh mông rưới một bầu

Khổ lụy Tin Lành khôn trách đó
Lỡ duyên cầu nguyện biết về đâu?
Phải chi Chúa cứu đôi mươi nữa…
Khỏi quỷ Sa tan đến đụn đầu”.

Họ như hả dạ đắc thắng qua bài thơ nầy… Nhưng Đức Chúa Trời hằng hữu,  Ngài vẫn là Đấng hằng sống và tể trị hoàn vũ nầy, Ngài đã cho ông Chánh Tuận người ở làng Đại An làm một bài thơ họa đối lại như sau:

“Muốn học Môi Se hóa phép mầu
Dắt dìu con đỏ xuống lòng sâu
Mở lòng hà hải thêm ba thước
Thâu lụy tan thương lại một bầu

Ái Nghĩa thêm trong dòng nước đó
Anh hùng nào phụ núi sông đâu?
Gẫm thương mấy kẻ chìm trên cạn
Ngọn sóng trần ai phủ lút đầu”.

Cuộc bút chiến đã xảy ra quyết liệt, nhưng bài thơ nầy đã làm cho kẻ ghét bỏ Tin Lành đành phải câm miệng. Hội Thánh được củng cố, danh Chúa được vinh hiển”.
Hội Thánh Tin Lành Đại Bình hiện hữu hôm nay, âu là nó cũng từ một sự kiện năm xưa ở cái Làng Trống mà ý Chúa được nên. Thái Duy thả hồn mơ màng đi trên đường qua cầu Ái Nghĩa nhìn dòng sông Yên êm ả, nước trôi biền biệt mà trở về nhà trong tâm trạng thỏa vui.

Hạ 2016.

Bình Luận:

You may also like