Home Tôi Viết Hãy Thể Hiện Chính Mình Khi Còn Có Cơ Hội

Hãy Thể Hiện Chính Mình Khi Còn Có Cơ Hội

by Thanh Tân
30 đọc

Những kiến thức học được trong Kinh Thánh rất quan trọng. Nó vừa là nền tảng để chúng ta biết lời Chúa, vận dụng vào đời sống vừa là hành trang quý giá để bày tỏ Chúa khi có cơ hội.

Vừa qua, tôi đã có dịp kể cho giảng viên và các bạn trong lớp nghe về câu chuyện Phi-e-rơ chối Chúa.

Đó là một ngày đặc biệt Chúa cho tôi cơ hội đến lớp. Vì tiết học hôm đó tôi không đăng ký trong danh sách học phần. Tôi đến lớp vì nghe sự nổi tiếng về phương pháp dạy rất “tây” của cô giáo, về tên môn học “Bảo tồn di sản kiến trúc đô thị”.

Tiết học hôm đó, có rất nhiều điều ấn tượng với tôi. Một trong những điều tôi ấn tượng nhất là “nhà thờ con gà”. Đây là ngôi nhà thờ Công giáo lớn nhất tại Đà Lạt – một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất của thành phố này do người Pháp để lại. Đó là những điều giảng viên giới thiệu. Cô đề cập đến hình ảnh “con gà” – đặt tại đỉnh của nhà thờ với 2 chức năng: chức năng dự báo thời tiết “Con gà xoay theo hướng gió trên một vòng bạc rất nhẹ. Người dân bản xứ kháo nhau rằng con gà là đài dự báo thời tiết rất hiện đại, con gà quay chiều nào là gió mưa, là nắng tạnh” và chức năng tâm linh “Con gà có thể là biểu tượng của nước Pháp (Coq gaulois: gà trống xứ Gaulle), là biểu tượng của sự sám hối, theo đoạn Tân Ước kể lại việc Chúa Giê-xu quở trách Phê-rô (một trong 12 tông đồ của Người)”. Khi đề cập đến chức năng thứ 2, cô hơi lúng túng và có vẻ không tự tin.

Giờ ra chơi, tôi đến nói chuyện với cô về “biểu tượng con gà và câu chuyện Kinh Thánh liên quan”. Tôi chỉ có ý giúp cô có thêm kiến thức ngoài kiến thức chuyên môn. Cô bảo điều đó thật tuyệt vời và nhờ tôi chia sẻ với lớp.

Khi mọi thứ đã ổn định sau giờ ra chơi. Cô mời tôi lên để kể cho lớp nghe về câu chuyện Kinh Thánh có liên quan đến hình ảnh con gà. Tôi được cầm micro và kể với tất cả niềm say mê mình có, điều đó thật đặc biệt với tôi.

– Tôi là người biết Kinh Thánh và muốn chia sẻ với các bạn câu chuyện rõ ràng hơn trong Kinh Thánh có liên quan đến hình ảnh con gà và việc sám hối của Phê-rô. Kinh Thánh có 2 phần: Cựu ước và Tân ước. Câu chuyện đó được chép trong cả 4 sách Phúc Âm nằm ở phần Tân Ước. Trước khi Chúa chịu đóng đinh, Chúa nói với Phi-e-rơ (Phê-rô) sẽ vì cớ Chúa mà vấp phạm. Phi-e-rơ sẽ chối Chúa 3 lần trước khi gà gáy. Trước lời tuyên bố đó, Phi-e-rơ bảo “Dầu mọi người vấp phạm, tôi cũng không. Dầu tôi phải chết với Thầy đi nữa, tôi chẳng chối Thầy đâu”. Thế nhưng, trên đoạn đường đi với Chúa, khi được 3 người hỏi về việc Phi-e-rơ có quen biết Chúa không, vì họ từng thấy ông đi theo Chúa. Cả 3 lần đó, Phi-e-rơ đều phủ nhận, nó cũng đồng nghĩa với việc những lời cảnh báo của Chúa đối với ông được thực nghiệm. Sau đó, tiếng gà gáy vang lên. Khi nghe âm thanh đó, Chúa xoay lại nhìn Phi-e-rơ, ánh nhìn đó như lời nhắc nhở. Phi-e-rơ nhớ lại những gì Chúa nói với mình, liền bỏ đi ra ngoài, khóc lóc cách cay đắng, sau đó ông ăn năn và quay lại với Chúa. Hành động ăn năn đó là hành động tái cam kết niềm tin của Phi-e-rơ nơi Chúa, sau này ông được Chúa trọng dụng vào công tác giảng Phúc Âm cứu người. Hình ảnh con gà được dùng làm biểu tượng để nhắc lại câu chuyện Phi-e-rơ chối Chúa, qua đó mang ý nghĩa về sự ăn năn và quay về với Chúa.

Hàng chục ánh mắt say sưa nghe tôi nói. Những nét tò mò xen lẫn thích thú thể hiện trên gương mặt họ vì đây là lĩnh vực mới họ được nghe, khác với những thứ khô khan được học trên lớp. Giảng viên cảm ơn tôi vì sự chia sẻ chân thành

– Cô nghĩ rằng đây là những điều chỉ có người trong đạo mới có thể hiểu tường tận. Dường như những điều em nói đã thấm vào máu của em nên cô cảm nhận nó rất chân thành. Đó là phần rất quan trọng để giúp cô bổ sung vào kiến thức của mình, mặc khác giúp các bạn trong lớp hiểu rõ hơn về biểu tượng con gà mà cô trình bày. Quả là một câu chuyện rất sâu sắc mà bạn đã mang đến cho lớp chúng ta. Em làm cho tiết học hôm nay thêm thú vị, cảm ơn em.

Đây không phải lần đầu tiên tôi nói ra những vấn đề liên quan đến Kinh Thánh, liên quan đến niềm tin của mình trong lớp học. Và tôi cảm thấy rất vui và tự hào khi làm điều đó, khi tôi được bày tỏ Chúa cho mọi người bằng cuộc sống của tôi, bằng những gì tôi nói.

Thông điệp tôi muốn gửi đến mọi người qua bài viết hôm nay đó là “Hãy trân trọng kiến thức Kinh Thánh mình được học, vì biết đâu Chúa muốn sử dụng điều đó để bày tỏ Chúa ra cho mọi người qua những câu chuyện Kinh Thánh. Hãy tận dụng những cơ hội mình có và thể hiện Chúa qua cuộc sống mình với tất cả niềm vui và sự tự hào“.

Tôi nói thêm với giảng viên và cả lớp rằng mình là người theo đạo Tin Lành, hình ảnh nhà thờ với biểu tượng con gà mà cô nhắc đến thuộc về nhà thờ công giáo và tôi đã từng ghé thăm địa điểm này trong một lần đi trại sinh viên tại Đà Lạt. Tôi không có ý phân biệt nhưng muốn mọi người biết đến từ “Tin Lành” qua những câu chuyện Kinh Thánh, Chúa Giê-xu, sự ăn năn và quay về với Chúa. Phần sau của buổi học, giảng viên đề cập đến sở trường của mọi người và cô gọi đó là expert (chuyên gia), trong đó cô bảo tôi là chuyên gia trong lĩnh vực Kinh Thánh. Đó là một trong những lợi thế để kể về Chúa thông qua những câu chuyện được chép trong Kinh Thánh.

Mỗi Cơ Đốc Nhân mang trong mình một sứ mạng Thiên Quốc. Hãy thực hiện trách nhiệm của mình khi còn có cơ hội, học biết lời Chúa để bày tỏ Chúa qua những câu chuyện Kinh Thánh chẳng hạn.

Salem

 

Bình Luận:

You may also like