Home Quốc Tế Những Chia Sẻ Của Cơ Đốc Nhân Ai Cập, Pakistan, Trung Quốc Và Israel Về Sự Bắt Bớ

Những Chia Sẻ Của Cơ Đốc Nhân Ai Cập, Pakistan, Trung Quốc Và Israel Về Sự Bắt Bớ

by Ban Biên Tập
30 đọc

Sự bắt bớ nhắm vào những tấm lòng theo Chúa tại khắp nơi trên thế giới có lẽ không có gì là quá mới mẻ đối với chúng ta. Ngay thời kỳ hiện đại này, vẫn có rất nhiều con cái Chúa tại nhiều đất nước phải đối mặt với nguy cơ bị giam cầm, giết hại hoặc bị chèn ép dưới nhiều hình thức chỉ vì mang trong mình đức tin nơi Đấng Christ. Tuy nhiên, vẫn có vô vàn tấm gương giữ vững đức tin cho dù khó khăn hay hiểm nguy đe doạ cuộc sống.

Theo lời các nhà báo Jared Malsin, Saba Imtiaz, Tom Phillips và Peter Beaumont của tờ Guardian, sự bắt bớ nhắm vào Cơ đốc nhân được đánh giá là vô cùng kinh khủng tại một số quốc gia như Ai Cập, Pakistan hay Trung Quốc. Nhà báo Jared Malsin từng nói chuyện với một Cơ đốc nhân 26 tuổi tại Ai Cập tên Mina Fayek. Người này mặc dù có khả năng bản thân khá tốt nhưng chính vì đức tin mà những sự lựa chọn của anh trong cộng đồng rất bị hạn chế.

“Cha mẹ và tôi đều biết rõ rằng điều này sẽ chẳng đi đến đâu cả, tôi phải chọn một môn thể thao khác”, Fayek nói về việc người huấn luyện viên bóng đá của anh không muốn có bất kỳ một Cơ đốc nhân nào trong đội hình.

Người kỹ sư phần mềm kiêm blogger này cũng chia sẻ rằng nhiều Cơ đốc nhân Ai Cập không may mắn khác còn phải gánh chịu các hình thức bắt bớ kinh khủng hơn. Chính tình trạng tôn giáo đã ngăn cản họ khỏi nhiều sự lựa chọn trong cuộc sống, sẽ vô cùng khó khăn để họ vươn đến những ước mơ của bản thân.

“Bạn bị đe doạ tấn công bởi những người cực đoan hoặc bởi các nhân viên an ninh, cùng với những sự phân biệt đối xử đã có từ trước đến nay, rõ ràng sự bắt bớ đang ngày càng tồi tệ”, Fayek nói.

Đám đông reo hò sau khi đốt cháy một ngôi nhà của Cơ đốc nhân tại Lahore, Pakistan.

Đám đông reo hò sau khi đốt cháy một ngôi nhà của Cơ đốc nhân tại Lahore, Pakistan.

Phóng viên Saba Imtiaz có lần nói chuyện với người đàn ông 31 tuổi ở thành cổ Karachi tên Anthony Ibraz. Người đàn ông này thường đi rao giảng về sự thứ tha cho những người xung quanh mình. Ibraz nói rằng chính gia đình anh cũng từng phải chịu đựng sự bắt bớ vì đức tin Cơ đốc. Họ đã phải hứng chịu nhiều hình thức bắt bớ như tống tiền, đánh đập và đối mặt với thái độ phân biệt đối xử tại trường học hoặc các cửa hàng công cộng.

“Sự bắt bớ không chỉ gói gọn trong đạo luật báng bổ mà họ đưa ra”, Ibraz nói. “Có rất nhiều hình thức bắt bớ. Trong đó có sự phân biệt đối xử, khi chúng tôi ra khỏi nhà, trong nền giáo dục và trong công việc… đôi khi là cả làm nô lệ. Có nhiều người tìm đến chúng tôi và nói rằng họ được giáo dục đầy đủ và đủ khả năng làm việc nhưng họ không nhận được việc làm. Lí do là vì tôn giáo”.

Theo lời phóng viên Saba Imitaz, sự bắt bớ tại Pakistan được điều khiển chính bởi đạo luật báng bổ do chính phủ ban hành, sự phân biệt đối xử đã ăn sâu vào xã hội cùng với sự lớn mạnh của những mạng lưới vũ trang. Cơ đốc nhân chỉ chiếm 2% dân số Pakistan và không hề có ảnh hưởng lớn về mặt chính trị tại quốc gia này.

“Chúng tôi có đứng lên cho quyền lợi của mình, chúng tôi có tiếng nói của mình”, Ibraz nói. “Cộng đồng Cơ đốc nhân – hoặc những cộng đồng thiểu số – bây giờ đã nhận thức rõ hơn về các trường hợp của luật báng bổ cũng như sự bắt bớ. Họ nhận thức hơn về việc gửi đi các thông điệp hoặc xuất hiện trên truyền thông. Họ đều biết rằng hậu quả sẽ như thế nào”.

Mặc dù sự bắt bớ không hề có dấu hiệu giảm bớt, Ibraz vẫn tin rằng thông điệp về sự kiên nhẫn và lòng khoan dung nên được rao ra trong cộng đồng. “Có lẽ điều gì đó tốt đẹp nên được đem ra”, Ibraz nói. “Cùng lúc đó, chúng tôi cho mọi người biết rằng chính sự bắt bớ này là lý do để chúng tôi hiệp một. Nếu chúng tôi đứng cùng nhau, chúng tôi có thể làm điều gì đó”.

Nhiều nhà thờ Trung Quốc bị gỡ bỏ thập tự giá.

Nhiều nhà thờ Trung Quốc bị gỡ bỏ thập tự giá trong làn sóng bắt bớ tăng cao.

Mục sư 55 tuổi người Trung Quốc – Xu Yonghi thì chia sẻ với phóng viên Tom Phillips rằng ông vẫn không ngừng chịu sự đe doạ từ phía những sự bắt bớ. Người ta thậm chí còn đặt các camera xung quanh nhà ông để theo dõi những động tĩnh của ông.

“Bạn làm quen với nó”, Mục sư Xu nói. “Điều đó sẽ không thể làm ngưng đức tin của tôi lại”.

Theo phóng viên Phillips, ông Xu đã không ngừng đấu tranh chống lại sự bắt bớ nhắm vào cộng đồng Cơ đốc Trung Quốc trong suốt 25 năm qua. Ông thậm chí còn phải chịu giam cầm trong 5 năm vì đức tin Cơ đốc của mình.

“Làm ơn hãy cho con sức mạnh để tiếp tục. Làm ơn hãy cho những người bắt bớ thú nhận và ăn năn tội lỗi của họ”, đó chính là lời cầu nguyện của ông trong lúc bị giam cầm.

Một Cơ đốc nhân khác ở vùng Trung Đông có tên Friar Matthias thì chia sẻ với phóng viên Peter Beaumont về sự bắt bớ tại vùng ông sinh sống. “Họ đến vào lúc nửa đêm. Chúng tôi không chắc liệu họ đến bằng thuyền hay trèo qua tường. Chúng tôi nghĩ rằng có ít nhất 3 người bởi vì họ đã đốt cháy hai địa điểm cùng lúc trong khi người còn lại thì vẽ lên các bức tường”.

Theo lời phóng viên Beaumont, hầu hết các cuộc tấn công nhắm vào Cơ đốc nhân tại vùng Trung Đông đều đến từ phía những người Hồi giáo cực đoan. Ông Matthias còn nhấn mạnh rằng việc tấn công vào các nhà thờ tại Israel là “một hiện tượng chưa từng có”, việc này thậm chí còn từng bị Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lên án.

“Việc tự do thờ phượng ở Israel là một trong những hòn đá nền móng thể hiện giá trị của con người Israel và nó được bảo vệ bởi luật pháp”, Thủ tướng Netanyahu từng nói.

Mặc dù chính phủ nơi đây đang dần cảnh giác hơn trước những hành động cực đoan nhưng ông Matthias cho rằng cần phải mạnh tay hơn nữa để chúng không thể tiếp diễn trong tương lai. “Chúng ta phải xem xét nó. Chúng ta đều biết rằng đây không phải là Syria, nơi mà Cơ đốc nhân phải sợ hãi lo lắng cho cuộc sống của mình, nhưng chúng ta đang hỏi rằng liệu những người làm điều đó có bị đem ra pháp luật để những người khác sẽ không làm theo điều tồi tệ như thế nữa”.

Theo GospelHerald
Bài vở cộng tác và góp ý xin gởi về tintuc@hoithanh.com

Bình Luận:

You may also like