Home Dưỡng Linh Ngày 28 – Cái Sừng Tự Mọc Lên

Ngày 28 – Cái Sừng Tự Mọc Lên

by Ban Biên Tập
30 đọc

Đa-ni-ên 11:20-35

20 Người lên kế vị vua ấy sẽ sai người đi bóc lột thuế khóa để duy trì sự xa xỉ của vương quốc, nhưng chẳng bao lâu sau vua ấy sẽ bị sát hại mà không phải vì oán giận hay chiến trận nào cả. 21 Lên kế vị vua là một tay bần tiện, không được trao vương quyền. Hắn bất chợt xuất hiện, dùng thủ đoạn xảo quyệt chiếm đoạt vương quốc. 22 Quân ngoại xâm tràn vào như nước lũ sẽ bị cuốn trôi và tan vỡ trước mặt vua ấy, cả đến thủ lĩnh của giao ước cũng vậy. 23 Sau khi lập hòa ước với các nước khác, vua ấy thực hiện các mưu đồ gian dối để củng cố lực lượng, dù với quốc gia nhỏ bé. 24 Vua ấy sẽ bất chợt tiến chiếm các khu đất trù phú nhất trong tỉnh và sẽ làm điều mà cha ông, tổ tiên mình chưa từng làm. Vua đem chiến lợi phẩm, những đồ vật đã cướp được và của cải phân phát cho các thuộc hạ. Vua cũng lên kế hoạch tiến đánh các thành lũy, nhưng chỉ trong một thời gian mà thôi. 25 Sau đó, vua dốc lòng dốc sức đem một quân lực hùng mạnh tiến đánh vua phương nam. Vua phương nam sẽ nghênh chiến bằng một dạo quân đông đúc và vô cùng hùng hậu, nhưng không thể chống cự nổi vì có âm mưu phản bội vua. 26 Chính những kẻ ăn bánh trên bàn vua sẽ hại vua; đạo quân của vua sẽ bị quét sạch, nhiều người bị thương vong. 27 Còn hai vua ấy, trong lòng đều toan tính hại nhau; họ ngồi cùng một bàn tiệc nhưng trao đổi nhau những lời dối trá. Tuy nhiên, mưu định đó không thành vì sự cuối cùng sẽ đến vào thời điểm ấn định. 28 Vua phương bắc sẽ trở về xứ với rất nhiều của cải; nhưng lòng vua quyết định chống lại giao ước thánh. Vua sẽ thực hiện ý đồ nầy trên đường trở về xứ sở mình. 29 Đến thời điểm ấn định vua ấy sẽ trở lại và tiến vào phương nam, nhưng lần nầy không giống như lần trước. 30 Tàu bè từ Kít-tim sẽ tấn công vua nên vua hoảng sợ rút lui và giận dữ chống lại giao ước thánh. Vua ấy sẽ trở về và ưu ái những kẻ từ bỏ giao ước thánh. 31 Quân lính do vua ấy gửi đến chiếm đóng và làm ô uế thành lũy của đền thánh. Chúng dẹp bỏ tế lễ thiêu hằng hiến và lập lên điều ghê tởm gây ra cảnh hoang tàn. 32 Vua dùng lời đường mật mà quyến dụ những kẻ xem thường giao ước; nhưng những người nhận biết Đức Chúa Trời sẽ kiên quyết chống lại. 33 Những người khôn sáng trong dân chúng sẽ dạy dỗ nhiều người, dù trong một thời gian, họ sẽ phải gục ngã bởi gươm đao và lửa hừng, bởi tù đày và cướp bóc. 34 Trong khi họ gục ngã, sự trợ giúp họ nhận được không nhiều, nhưng lại có lắm kẻ dùng lời giả dối mà theo họ. 35 Một số trong những người khôn sáng sẽ sa ngã để nhờ đó mà được luyện lọc, thanh tẩy và phiếu trắng cho kỳ cuối cùng, vì còn phải chờ cho đến thời điểm ấn định.

Suy ngẫm và hiểu

Trọng tâm của lời tiên tri nay tập trung vào một vị vua của vương quốc phương bắc. Vị vua này có thể là An-ti-ốt, một vị vua rất cường bạo và gian ác. Ông ta là một người ranh mãnh, người trở thành vua bằng những sự lừa đảo và dối trá; ông ta cũng mở rộng đế quốc của mình bằng việc chinh phục và cưỡng đoạt những dân xung quanh (c.20-24). An-ti-ốt sẽ thất bại trong việc chinh phục Ai Cập hai lần và trút cơn giận của mình lên Y-sơ-ra-ên. Bởi vì điều này nhiều người cố gắng giữ đức tin của mình sẽ phải chịu khổ sở nhiều, nhưng họ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và thanh sạch hơn thông qua trải nghiệm này (c.25-35).

Ngài ban cho tôi bài học gì?

C.20-24 Những người theo đuổi sự tham lam của lòng mình sẽ không ngần ngại thực hiện một kế hoạch quỷ quyệt để đạt được mong muốn của mình. An-ti-ốt trở thành vua sau hai việc làm táo bạo, phản bội lại hai đồng minh của ông ta, và chiếm đoạt Giê-ru-sa-lem. Chúng ta hãy theo đuổi sự vị tha của Đức Thánh Linh để một bản chất xấu xa như thế này không xuất hiện trong đời sống chúng ta!

C.30-35 Sự chịu khổ phân biệt những người chân thật và người giả dối của Đức Chúa Trời. Khi An-ti-ốt cướp đoạt Giê-ru-sa-lem, có những người Do Thái bội nghịch với Đức Chúa Trời và cố gắng vui hưởng chút quyền lực của An-ti-ốt. Nhưng cũng có nhiều người giữ đức tin của mình cho đến chết. Sự chịu khổ bày tỏ ra những con cái của Đức Chúa Trời thực sự là ai. Chúng ta có đang chịu khổ hay không? Điều này sẽ mang đến một cơ hội tốt để bày tỏ đức tin trong sạch của chúng ta.

Tham khảo

11:21 Trong vị trí của ông ta sẽ xuất hiện một người đáng khinh An-ti-ốt IV E-pi-phan (trị vì 175–164 TCN), người cũng là “chiếc sừng nhỏ” của chương 8 (8:9–12, 23–25). Ông ta đã lấy tên An-ti-ốt “Epiphanes” (“Người bày tỏ”), nhưng những người khác gọi ông là “Epimanes” (“người điên rồ”).

11:24 Không hề có sự cảnh báo, An-ti-ốt IV E-pi-phan đã trả thù và cưỡng đoạt một số vùng giàu có nhất của lãnh thổ Ai Cập (có nghĩa là cả vùng Giu-đê). Ông ta dường như đã phân chia phần cưỡng đoạt cùng với những tên lính của mình (so sánh Li-vy, Lịch sử La Mã 41 .20; 1 Mác-ca-bê 3:30; Po-ly-bi-ốt, Lịch sử 26.1), nhưng kế hoạch lớn của ông ta chống lại những đồn lũy của Ai Cập chỉ kéo dài một thời gian (có nghĩa là thời gian Đức Chúa Trời đã định).

Cầu nguyện: Lạy Đức Chúa Trời, dẫu rằng sự ác có thể mang đến cho chúng con quyền lực, xin hãy giúp chúng con xưng nhận rằng chúng con ở trong khung thời gian Ngài đặt ra, và xin hãy giúp chúng con giữ đức tin nơi Ngài.

Đọc Kinh Thánh Trong Năm: Thi Thiên 104-106

Bình Luận:

You may also like