Home Dưỡng Linh 5 Điều Quyết Tâm Trong Năm Mới Dành Cho Cấp Lãnh Đạo Cơ Đốc

5 Điều Quyết Tâm Trong Năm Mới Dành Cho Cấp Lãnh Đạo Cơ Đốc

by Ban Biên Tập
30 đọc

Chúng ta phải thành thật. Nghe thì thật là buồn cười đấy. Bạn nghĩ muốn hưởng được đất trước tiên bạn phải qua mặt được nhiều người khác. Nhưng chúng ta đã đánh mất ý nghĩa thật về sự nhu mì. Nhu mì không có nghĩa là yếu đuối. Chúa Jêsus và Môise được mô tả là nhu mì, và chắc chắn họ là thế nào khác chứ không phải yếu đuối. Nhu mì thực sự có ý nói tới sức mạnh được đặt dưới sự kềm chế. Từ ngữ nhu mì trong tiếng Hy-Lạp đề cập tới một con ngựa hoang đã được thuần hóa hay một món thuốc có thể chế ngự một cơn sốt rét vậy.

Sức mạnh chịu sự kềm chế là một phẩm chất quan trọng của bất kỳ một nhà lãnh đạo Cơ đốc nào. Một nhà lãnh đạo nào (nam hay nữ) không thể kềm chế được sức mạnh của mình không thể nào lãnh đạo người khác làm giống như mình được.

Đây là 5 phương thức giúp cho sức mạnh của bạn chịu sự kềm chế trong năm 2010.

1. Khi có ai phục vụ bạn, phải thông cảm, đừng đòi hỏi.

Philíp 2:4-5 chép: “Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa. Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có”.

Hàng ngày, chúng ta thường tương tác với những người phục vụ chúng ta. Thí dụ với người bồi bàn, thư ký, nhân viên bán hàng, người thu ngân, và những người dọn thức ăn nhanh. Một trong những dấu hiệu tốt nhứt của một lãnh đạo Cơ đốc, ấy là biết đối xử với những người đó bằng thái độ lịch sự và tôn trọng. Bạn có thông cảm họ hoặc là có những đòi hỏi quá mức không? Bạn có đòi gặp viên quản lý của họ mỗi lần có gì sai trật trong việc đáp ứng lệnh đặt hàng của bạn? Hay là bạn phản ứng với thái độ đầy ân điển?

Các cấp lãnh đạo giỏi không được đánh giá bằng cách người khác phục vụ họ, mà bằng cách họ phục vụ người khác. Thật là dễ đáp ứng với người phục vụ bạn bằng tinh thần đòi hỏi và chỉ trích. Chúng ta được kêu gọi để làm ngược lại. Sự tha thứ phải mau mắn. Lòng tôn trọng phải là qui luật bạn sống theo.

exemplify-servant
Nguyên tắc lớn nhất của nhà lãnh đạo Cơ đốc là ân cần phục vụ

2. Khi có ai đó làm cho bạn thất vọng, hãy cư xử tử tế và đừng xét đoán.

Phaolô cho chúng ta biết ở Rôma 14:1 – “Hãy bằng lòng tiếp lấy kẻ kém đức tin, chớ cãi lẫy về sự nghi ngờ”. Phước hạnh đến khi bạn có thể chấp nhận người khác y như con người họ vốn là vậy. Đừng bắt buộc người khác phải đạt tới tiêu chuẩn nhất định nào đó mới được bạn yêu thương.

Là một nhà lãnh đạo Cơ đốc, bạn phản ứng thế nào khi có ai đó thất bại nặng trong cuộc sống? Có phải bạn  là người đầu tiên tỏ ra sự xét đoán và phê phán không? Đây là một chi tiết rất đáng buồn. Nhiều người trong chúng ta lấy làm vui cách kín đáo khi thấy những người khác bị thất bại, vì việc ấy khiến cho chúng ta cảm thấy mình như một bậc vĩ nhân thuộc linh. Nhưng nhu mì có ý nói bạn phải sống rất nhân từ và không xét đoán khi người ta làm cho bạn thất vọng.

Cái điều làm cho Chúa Jêsus phải buồn lòng hơn bất cứ điều chi khác là hạng người có tôn giáo tự xem mình là công bình và luôn luôn xét đoán người khác.

3. Khi có ai đó bất đồng với bạn, phải mềm mại mà không nhượng bộ.

Là Mục sư, có lẽ lúc nầy ông đã nhận ra rằng mình không thể làm cho mọi người trong cuộc sống được vừa lòng. Ngay khi ông có thể làm cho Nhóm A hài lòng, thì Nhóm B bị bực tức. Phút trước ông là anh hùng; phút kế đó ông là con số 0. Chúng ta phải mềm mại song không nhượng bộ. Một trong những thử nghiệm quan trọng nhất về sự trưởng thành thuộc linh là cách ông vận dụng được những người bất đồng với ông, mâu thuẫn với ông, và chọc tức ông. Ông có ba cách ứng xử để chọn:

Ông có thể lui lại trong lo sợ.
Ông có thể tấn công với sự giận dữ.
Ông có thể đáp ứng trong tình yêu thương.

Nhu mì không có nghĩa là đem những điều mình tin chắc ra mà thỏa hiệp. Đừng thụ động và luôn chìu theo đường lối của người khác. Đấy chẳng phải là nhu mì; đó là sự yếu đuối. Ông cũng không cần phản ứng trong sự giận dữ. Đừng nổi sung thiên khi có ai đó bất đồng với ông.

Ý thứ ba luôn luôn là tốt nhứt. Kinh Thánh chép ở II Timôthê 2:24-25 rằng nhu mì là một đức tính dành cho chức vụ lãnh đạo thuộc linh: “Vả, tôi tớ của Chúa không nên ưa sự tranh cạnh…nhưng phải dùng cách mềm mại mà sửa dạy những kẻ chống trả, mong rằng Đức Chúa Trời ban cho họ sự ăn năn để nhìn biết lẽ thật”.

Là một nhà lãnh đạo Cơ đốc, chúng ta là người thế nào trong lãnh vực nầy? Có phải bạn thích tranh cạnh không? Chúng ta cần phải mềm mại mà dạy dỗ dân sự của mình và hy vọng Đức Chúa Trời sẽ thay đổi lòng họ.

4. Khi có ai đó đến chỉnh sửa bạn, phải chịu sự dạy dỗ thay vì như người mà không ai có thể đến gần.

Nhu mì là một tinh thần dễ dạy. Nhiều người trong chúng ta sử dụng đời sống mình lo dạy dỗ người khác nhưng lại gặp khó khăn khi chính mình cần được sửa dạy. Điều đó thật đáng buồn. Các cấp lãnh đạo Cơ đốc nhu mì không giả vờ như mình biết hết mọi sự. Họ biết rằng họ không cần phải như vậy đâu.

Giacơ 1:19 chép: “Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận”. Hãy nhớ rằng, chữ ‘người nào’ bao gồm luôn cả bạn, cho dù bạn là một nhà Lãnh đạo cơ đốc nữa đấy.

Khi có người từ hội chúng của bạn đưa ra ý xây dựng cho bạn,  bạn sẽ xử sự với việc ấy như thế nào? Có phải bạn bồn chồn và tìm cách biện hộ? Hạng người nhu mì biết mình không có tất cả những câu trả lời. Thật vậy, bạn nên thận trọng với những kẻ nghĩ rằng họ có tất cả những giải đáp.

Cấp lãnh đạo nhu mì cũng cỡi mở trước những tư tưởng mới. Họ sẵn sàng thay đổi khi họ học được điều gì mới.

5.Khi có ai gây tổn thương cho bạn, bạn phải là một người hành động (actor) thay vì là một người phản ứng (reactor):

Bạn sẽ bị tổn thương trong chức vụ. Đây chẳng phải là vấn đề “nếu”; đây là vấn đề “khi nào”. Cách bạn phản ứng khi bị tổn thương sẽ tạo ra một sự khác biệt lớn lao trong chức vụ của bạn. Rôma 12:21 chép: “Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác”. Chúng ta phải lấy tình yêu thương đáp ứng với tổn thương, chớ không phải sự ăn miếng trả miếng.

Trả đủa là phản ứng. Nhưng hãy phản ứng bằng sự tha thứ, dù khi đối phương không yêu cầu được thứ tha, nhờ đó bạn đã nắm lấy quyền chủ động.

Khi có người nói: “Ông làm cho tôi phải nổi khùng lên!” họ đang nhìn nhận rằng người khác có quyền kiểm soát trên cảm xúc của chính họ. Đấy là một tình trạng yếu đuối – chớ không phải là nhu mì. Giây phút mà bạn khởi sự tìm cách trả thù, bạn đã đánh mất quyền điều khiển cuộc đời của mình rồi. Chúa Jêsus dạy rằng người nhu mì biết cách để cho sự việc ấy trôi qua.

leader
Sự trả đủa thường không đem lại kết quả tốt bằng sự mềm mại sửa sai (Ảnh minh họa)

Chúa Jêsus muốn nói gì khi Ngài hứa: “Phước cho những kẻ nhu mì, vì sẽ hưởng được đất”? Người nhu mì là người kiểm soát được hoàn cảnh và không bị hoàn cảnh làm chủ trên họ. Nếu bạn là một người nhu mì, bạn không còn là một nạn nhân nữa đâu. Bạn đang kiểm soát được những sự lựa chọn của mình.

Victor Frankl, nhà tâm thần học nổi tiếng từng nếm trải trại tập trung Auchwitz đã nói: “Họ tước hết y phục của tôi, vợ con, và chiếc nhẫn cưới của tôi. Tôi đứng đó trần truồng trước những tên SS và tôi ý thức được rằng họ có thể tước hết mọi sự trong cuộc đời của tôi, nhưng họ không thể tước được quyền tự do lựa chọn cách mà tôi phản ứng với họ”.

Đấy là sự tự do thật.  Quí vị muốn gì hơn trong năm 2010?

Mục sư Rick Warren
Dịch giả: Phan Doanh Doanh

Bình Luận:

You may also like