Home Chuyên Đề Sức Mạnh Của Sự Cám Dỗ – Kỳ 4

Sức Mạnh Của Sự Cám Dỗ – Kỳ 4

by Ban Biên Tập
30 đọc
Nếu chúng ta nghĩ đến sự yếu đuối của chính mình, thì chúng ta sẽ nhận thấy rằng chúng ta phải nghiêm túc trong việc “thức canh và cầu nguyện.”

Sự yếu đuối của chúng ta có thể nhìn thấy từ hai khía cạnh sau:

Chúng ta không có năng lực hay sức mạnh riêng của mình để chống lại “giờ cám dỗ”.

Điểm yếu chính của mỗi người là việc tự tin cách sai lầm vào chính sức riêng của mình. Sự tự tin của Phi-e-rơ vào chính mình chính là điểm yếu của ông (Mathiơ 26: 33). Hầu hết mọi người đều có thái độ giống như ông. Chúng ta không bao giờ thực sự làm được điều mà mình nghĩ rằng mình có khả năng. Tệ hơn nữa, ước muốn tội lỗi giống như kẻ phản bội sẵn có trong lòng của chúng ta. Nó sẵn sàng phản bội đem nộp chúng ta cho kẻ thù. Đây là lý do khiến chúng ta đừng bao giờ nên khoác lác rằng chúng ta có sức mạnh để đứng vững trong giờ cám dỗ. Chúng ta có thể tự mãn khi nghĩ rằng chúng ta sẽ không bao giờ phạm một số tội nào đó. Nhưng chúng ta quên rằng dưới sự tấn công của cám dỗ, tấm lòng chúng ta không giống như trước khi bị cám dỗ. Phi-e-rơ hầu như không nghĩ rằng ông sẽ chối Chúa của mình cho đến chừng có người chất vấn ông. Khi giờ cám dỗ đến, ông đã quên đi tất cả mọi quyết tâm của mình, tất cả tình yêu của ông dành cho Chúa tạm thời bị chôn vùi và sự cám dỗ cùng với nỗi sợ hãi trong lòng Phi-e-rơ đã hoàn toàn đánh bại ông.

Tự tin vào sức riêng của mình là một thất bại phổ biến, vì vậy,  khi chúng ta xem xét điều này cách kỹ càng là khôn ngoan. Chúng ta đang tin vào điều gì?

  1. Tổng quát

Chúng ta thường tin vào chính tấm lòng mình. Nhiều người không tin Chúa tự cho rằng mình có một tấm ngay thẳng, nhưng Kinh thánh chép rằng “Lòng kẻ hung ác không ra gì” (Châm ngôn 10: 20). Đây chính là loại tấm lòng mà cám dỗ sẽ tấn công. Làm sao một tấm lòng không ra gì lại có thể đứng vững trước sự cám dỗ trăm bề thoạt đến? Cơ đốc nhân thật nhưng lại tự tin vào chính lòng mình cũng không khá gì hơn, Kinh thánh dạy “Kẻ nào tin cậy nơi lòng mình là kẻ ngu muội” (Châm ngôn 28: 26). Phi-e-rơ là một Cơ đốc nhân thật, nhưng ông chứng tỏ mình là một kẻ dại khi ông tin vào lòng mình. Kinh thánh cũng có chép “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được?” (Giê-rê-mi 17: 9). Chúng ta có dám tin vào cái “dối trá hơn mọi vật” không?

  1. Cụ thể hơn

Chúng ta luôn tin rằng tấm lòng có động lực đủ mạnh để tránh bị cám dỗ đánh bại. Nhưng những động lực này có mạnh đủ không? Hãy suy nghĩ đến một vài ví dụ sau đây

  1. a) Yêu danh vọng ở thế gian

Danh tiếng và sự kính mến mà một người có được sau nhiều năm theo Chúa cách trung tín là điều quan trọng. Một số người nghĩ rằng những điều đó là động lực đủ mạnh để họ đứng vững trong giờ cám dỗ. Những người này nghĩ rằng họ thà chết còn hơn là từ bỏ danh tiếng họ có được trong hội thánh Chúa. Nhưng hỡi ôi, đây không phải là động lực đủ mạnh để giữ một người không sa vào tội lỗi. Điều này đã không giữ được Giu-đa, Hy-mê-nê và Phy-lết (II Ti-mô-thê 2: 17). Và cũng sẽ không thể giữ được bất cứ ai khỏi sa vào giờ cám dỗ.

  1. b) Sợ xấu hổ, mất mát hay chỉ trích

Một số người tin chỉ có sự sợ hãi rằng mình sẽ bị xấu hổ hay bị chỉ trích hoặc vì cớ Đấng Christ mới là động cơ đủ mạnh để đứng vững trong giờ cám dỗ. Điều này chỉ có thể áp dụng đối với những cám dỗ có liên quan đến tội mà người khác có thể quan sát được. Những ai dựa vào động cơ này sẽ sớm nhận ra rằng trong ngày cám dỗ nó chẳng có được sức mạnh như họ nghĩ.

  1. c) Sợ bị lương tâm cắn rứt và sợ địa ngục.

Nỗi sợ bị lương tâm cắn rứt và sợ đi địa ngục là những lý do chúng ta thường đưa ra nhất. Tuy nhiên, những nỗi sợ này bản thân chúng không có gì đảm bảo rằng chúng ta sẽ đứng vững trong giờ cám dỗ. Có ít nhất 3 lý do tại sao những điều này sẽ không thể giữ chúng ta được:

  1. Đôi khi sự bình an trong lòng mà một người muốn giữ lại là sự bình an giả tạo. Sau khi Đa-vít phạm tội với Bát-sê-ba và trước khi tiên tri Na-than đến gặp, Đa-vít đang ở trong sự bình an. Đó là sự bình an giả tạo. Tệ hơn nữa, nhiều người không tin Chúa nghĩ rằng họ có được sự bình an với Chúa, nhưng đó là sự bình an giả tạo. Sự bình an giả tạo sẽ cho thấy nó vô ích như thế nào trong ngày đoán xét thì cũng vậy nó cũng sẽ vô ích như vậy trong giờ cám dỗ.
  1. Sự bình an thật của tấm lòng là điều quý giá. Tuy nhiên, chỉ có sự bình an không thôi thì cũng không đủ để giữ một người trong giờ cám dỗ. Lý do là tấm lòng dối trá có thể đưa ra nhiều lý lẽ thuyết phục khác để cho thấy rằng giữ sự bình an trong tấm lòng không còn là điều quan trọng nữa. Sau đây là hai trong số nhiều lý lẽ đó “Những tín hữu khác đã sa ngã nhưng cũng đã tìm lại được sự bình an còn gì.” Và “Nếu tôi có mất sự bình an, thì cũng tìm lại được mà”. Khi giờ cám dỗ đến, những lý lẽ như thế này và những thứ tương tự như thế sẽ sớm làm cho linh hồn mệt mỏi và không còn quan tâm đến sự bình an của mình.

iii) Nghĩ rằng mong muốn giữ cho lương tâm bình an là điều kiện đủ để giữ chúng ta trong giờ cám dỗ giống như một người lính nghĩ rằng miễn là anh ta đội mũ sắt thì sẽ không bị thương trong chiến trận. Lương tâm bình an chỉ là một phần trong bộ áo giáp cần thiết để vượt qua cám dỗ. Nhưng nếu nó là phần duy nhất của bộ áo giáp được sử dụng trong giờ cám dỗ, thì sự cám dỗ sẽ sớm tìm ra được mục tiêu không được bảo vệ.

d) Phạm tội cùng Chúa là điều kinh khủng

Bạn có thể ý thức cách rõ ràng rằng phạm tội cùng Chúa là điều kinh khủng. Dường như đó là sự bảo vệ chắc chắn cho bạn khi đối diện với giờ cám dỗ. Làm sao tôi có thể phạm tội cùng Cứu Chúa của tôi cho được? Làm sao tôi có thể làm tổn thương Cứu Chúa Giê-xu Christ là Đấng đã chết thay cho tôi? Một lần nữa cần phải khẳng định rằng điều này tự thân nó không đủ để giữ chúng ta khỏi phạm tội trong giờ cám dỗ. Mỗi ngày trôi qua chứng tỏ cho chúng ta rằng chỉ với lý do này thôi chúng ta vẫn thường thất bại trước sự cám dỗ. Mỗi lần một con cái Chúa sa vào tội lỗi, thì có nghĩa là sự cám dỗ đã thắng hơn được sự bảo vệ loại này.

Chúng ta đã nói đến sự yếu đuối của mình trên phương diện là chúng ta thiếu năng lực. Bây giờ chúng ta phải xem xét đến:

  1. Sự cám dỗ có sức mạnh làm tâm trí trở nên tối tăm.

Rượu ảnh hưởng đến khả năng phán đoán của một người (Ô-sê 4: 11). Sự cám dỗ cũng có sức mạnh làm giảm sút khả phán đoán của một người giống như vậy. Ma-quỉ đã làm mù lòng những kẻ chẳng tin, hầu cho họ không trông thấy sự vinh hiển chói lói của Tin Lành Đấng Christ (II Cô-rinh tô 4 : 4). Bằng cách tương tự như vậy mọi sự cám dỗ đều làm cho con người mất khả năng hiểu biết và đánh giá rõ ràng. Cám dỗ thể hiện sức mạnh này dưới nhiều cách khác nhau, nhưng chúng ta chỉ xem xét đến ba cách phổ biến nhất :

  1. Sự cám dỗ có thể cai trị tâm trí và suy nghĩ của một người ở mức độ mà người đó không thể nghĩ đến bất cứ điều gì khác. Khi một người bị cám dỗ, có nhiều điều người đó cần xem xét đến để không phạm tội, nhưng sự cám dỗ quá mạnh đến nỗi nó cai trị tâm trí và suy nghĩ của người đó. Anh ta không thể tập trung vào những điều có thể cứu mình. Anh ấy giống như người bị nan đề kiểm soát. Có nhiều cách giúp anh ta giải quyết nan đề, nhưng vì anh ta cứ quá bận tâm vào chính nan đề đó đến nỗi anh ta không còn nhìn thấy những giải pháp có thể.

  1. Sự cám dỗ có thể sử dụng những ước muốn và cảm xúc của một người để làm rối trí người đó và khiến anh ta không thể suy nghĩ rõ ràng. Bất cứ khi nào một người để cho những ước muốn hay cảm xúc chế ngự suy nghĩ của mình thì người đó sẽ không còn có thể suy nghĩ rõ ràng nữa. Sự cám dỗ sẽ thường xuyên tấn công những ước muốn và cảm xúc của một người tới mức độ mà người đó không còn kiểm soát được lý trí của mình nữa. Trước khi một người rơi vào một sự cám dỗ cụ thể nào đó, thì anh ta có thể nhìn thấy rõ ràng rằng hành động như thế là sai. Nhưng khi cám dỗ đến với người đó và liên tục tác động đến ước muốn hay cảm xúc của anh ta, thì anh ta sẽ không còn có thể suy nghĩ rõ ràng nữa. Nhưng sẽ nhanh chóng tìm lý do để bào chữa hay biện hộ cho những hành động tội lỗi của mình.
tu do
Bạn muốn sống một cuộc đời thất bại và bị trói buộc bởi đầu hàng những cám dỗ…
  1. Cám dỗ sẽ kích thích những ham muốn tội lỗi trong lòng một người đến mức những ham muốn này sẽ cai trị tâm trí của người đó. Ham muốn tội lỗi giống như một đóm lửa. Sự cám dỗ là nhiên liệu làm cho nó bùng cháy và vượt khỏi tầm kiểm soát. Lý trí của một người sẽ thường xuyên thuyết phục người đó kiểm soát các ham muốn tội lỗi của mình bằng cách nhắc cho người đó nhớ những hậu quả của việc người đó muốn làm. Nhưng nếu ngọn lửa cám dỗ cứ tác động liên tục đến ham muốn tội lỗi đó, thì lý trí không còn có khả năng kiểm soát điều đó nữa. Không ai có thể biết được tính ác liệt và sức mạnh của ước muốn tội lỗi cho đến chừng ước muốn đó gặp được một sự cám dỗ đặc biệt thích hợp với nó. Ngay cả những người vững vàng nhất cũng kinh ngạc và bị đánh bại bởi sức mạnh của ước muốn tội lỗi khi ước muốn đó gặp được điều kiện thuận lợi. Hãy nghĩ đến trường hợp của Phi-e-rơ; nỗi sợ hãi đã đẩy ông đến chỗ chối Chúa nhanh biết là dường nào. Bạn có dám coi mình là vững vàng khi bạn có một kẻ thù có sức mạnh như vậy không?

  1. Sức mạnh của sự cám dỗ cộng đồng.

Trong Khải huyền 3:10 Chúa nói đến một loại cám dỗ (‘giờ thử thách’) ‘sẽ đến trong khắp thế gian, đặng thử những người ở trên đất’. Giờ thử thách này đến để thử nghiệm những người bất cẩn tự xưng mình là Cơ đốc nhân. Satan đến như sư tử rống để bắt bớ họ và nó cũng đến dưới hình ảnh thiên sứ sáng láng để cố dẫn dụ họ đi sai trật. Chúng ta phải xem xét đến ba khía cạnh của hình thức thử nghiệm này:

  1. a. Hình thức thử nghiệm này là sự đoán phạt đến từ nơi Chúa.

Chúa có hai mục đích khi làm như vậy. Thứ nhất là đoán phạt thế gian vì đã xem thường Tin lành của Ngài. Thứ hai là đoán phạt những kẻ giả mạo tự xưng mình là Cơ đốc nhân. Điều này có nghĩa là sự thử nghiệm này có sức mạnh đặc biệt để có thể hoàn thành mục đích của Chúa. Kinh thánh nói về những người ‘khước từ lẽ thật e rằng mình được cứu chăng’, những kẻ không tin vào lẽ thật nhưng vui trong điều ác. Để đoán phạt họ ‘Đức Chúa Trời cho chúng nó mắc phải sự lầm lạc, là sự khiến chúng nó tin điều dối giả…….’ (II Tê-sa-lô-ni-ca 2 : 9-12). Chúa không hề thay đổi. Trong sự tể trị thiên thượng của Ngài, Chúa vẫn còn đem đến những thử nghiệm như thế, và những thử nghiệm đó không bao giờ là vô ích. Chúa ban cho chúng sức mạnh để thực hiện điều Ngài muốn.

  1. b. Đây là loại cám dỗ làm cho chúng ta muốn noi theo những Cơ đốc nhân hữu danh vô thực.

Khi tội ác gia tăng, thì tiêu chuẩn chung cho đời sống tin kính giữa vòng dân sự Chúa sẽ hạ xuống. Sự tụt dốc này sẽ bắt đầu với một vài Cơ đốc nhân khi họ có khuynh hướng bất cẩn, sống theo thế gian và lơ là trong trách nhiệm của một con cái Chúa. Những tín hữu này bắt đầu đặt dấu hỏi về nếp sống Cơ đốc và cảm thấy tự do để làm theo các ước muốn tội lỗi của mình. Thoạt đầu, những tín hữu khác sẽ lên án họ hoặc thậm chí quở trách. Tuy nhiên, sau một thời gian nhiều người sẽ làm theo gương của một số tín hữu này. Ngay lúc này sẽ khó có thể biết được ai là người thật sự tin kính.

Nguyên tắc ‘một chút men làm dậy đống bột’ cần phải được cân nhắc nghiêm túc (I Cô-rinh-tô 5:6; Ga-la-ti 5:9). Tất cả những gì cần chỉ là một vài Cơ đốc nhân có tầm ảnh hưởng cứ tiếp tục tụt dốc trong đời sống thuộc linh nhưng lại đi biện hộ cho điều đó với những người khác. Đi theo đám đông làm điều ác thì dễ hơn là đứng một mình làm điều đúng. Nguyên tắc này cũng được áp dụng đối với những sự dạy dỗ sai trật. Bạn cần điều gì để có thể thay đổi quan điểm tín lý của một hội thánh? Tất cả những gì cần đó là chỉ một vài Cơ đốc nhân có tầm ảnh hưởng cứ liên tục quảng bá và biện minh cho sự dạy dỗ sai trật. Chẳng bao lâu sau sẽ có một đám đông theo họ.

Đáng tiếc thay có quá ít Cơ đốc nhân nhận ra được sức mạnh của sự cám dỗ làm theo người khác! Ở mọi thời đại Cơ đốc nhân phải học đặt niềm tin của mình nơi Lời Chúa, chứ không phải nơi những người (có vẻ) tin kính. Nếu chúng ta khiêm nhường, chúng ta sẽ nghiêm túc lắng nghe ý kiến và việc làm của những người có tiếng là tin kính. Nhưng không nhất thiết phải làm theo gương của họ nếu ý kiến và việc làm của họ đi ngược lại với Lời Chúa.

  1. c. Cám dỗ để theo đám đông làm điều ác.

Ở phần trước chúng ta đã lưu ý rằng có một sự cám dỗ mạnh mẽ để noi theo gương những người có tiếng là tin kính. Thêm vào đó, những người lãnh đạo làm điều ác này thường đưa ra những lý do dường như rất chính đáng cho ý kiến hay cách sống của họ. Bạn đã sẵn sàng để suy nghĩ chính mình chưa? Hay bạn để cho người khác nghĩ cho mình. Nếu bạn để người khác nghĩ thay cho mình, bạn sẽ dễ bị dẫn đi sai trật bởi những kết luận sai trật của người khác.

Ví dụ, Kinh Thánh Tân ước dạy rất rõ ràng về sự tự do mà Cơ đốc nhân có được qua Đấng Christ. Đáng buồn thay một số người lại dễ dàng xuyên tạc sự dạy dỗ này. Từ từ từng chút một nhưng chắc chắn, sự thánh khiết của luật pháp Đức Chúa Trời bị thay thế bởi sự tự do của Cơ đốc và điều này trở thành giấy thông hành cho tội lỗi. Nếu Cơ đốc nhân nhận thấy được điều này ngay từ lúc mới bắt đầu thì sự dạy dỗ hủy huyệt này này sẽ không thể dẫn họ xa lẽ thật, họ đã có thể kinh khiếp mà tránh xa nó.

Cũng có lý khi nói rằng ngay chính bản thân những người dạy cũng không biết sự dạy dỗ của họ sẽ dẫn họ đi đâu. Thoạt đầu, sự chệch hướng khỏi lẽ thật có vẻ không đáng kể và không quan trọng. Nhưng nếu không chú ý đến thì cả thầy lẫn trò sẽ càng ngày càng đi xa lẽ thật và đến chừng ‘họ đã đổi lẽ thật Đức Chúa Trời lấy sự dối trá’ (Rô-ma 1 : 25). Ví dụ, ngày nay con số ngày càng tăng những người tự xưng mình là Cơ đốc nhân sẵn sàng làm cho bớt gay gắt và thậm chí còn làm vô hiệu hóa sự lên án của Kinh Thánh về hoạt động đồng tính luyến ái. Đây là minh họa mới nhất cho nguyên tắc này.

  1. 5. Sức mạnh của sự cám dỗ cá nhân

Chúng ta đã bàn qua một phần về sức mạnh của sự cám dỗ khi nó tác động tới từng cá nhân dưới tiêu đề ‘Sự cám dỗ có sức mạnh làm tâm trí trở nên tối tăm’. Bây giờ chúng ta sẽ nói thêm đến hai điểm nữa:

Thứ nhất :

Tại sao ‘giờ cám dỗ’ lại mạnh đến như vậy? Khi chúng ta bị cám dỗ, có hai sức mạnh hoạt động cùng một lúc. Một là sức mạnh của sự cám dỗ ở bên ngoài mà chúng ta đang đối diện. Cái còn lại là ước muốn tội lỗi trong lòng chúng ta. Trong ‘giờ cám dỗ’ cả hai sức mạnh này gặp nhau và cái này tiếp thêm sức mạnh cho cái kia. Thật vậy, những ước muốn tội lỗi của chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi nó gặp sự cám dỗ. Khi điều này xảy ra sức mạnh của sự cám dỗ sẽ được gia tăng bội phần.

Có một số người (bao gồm cả Cơ đốc nhân) chưa bao giờ một lần nghĩ đến việc tự cho phép mình vui thú trong những việc làm tội lỗi nào đó. Nhưng hiện tại họ đang chìu theo tư dục mình mà không cảm thấy xấu hổ hay buồn rầu. Điều này đã xảy ra như thế nào? Chúng ta có thể minh họa quá trình này bằng một ví dụ phổ biến: sự tan vỡ của hôn nhân Cơ đốc vì tội ngoại tình. Khi những người này lập gia đình, tất nhiên họ mong muốn sống chung thủy. Nhưng đâu đó xung quanh mình chúng ta vẫn thấy ngoại tình, ngay cả giữa vòng Cơ đốc nhân. Điều này xảy ra như thế nào?

Câu trả lời nằm ở nguyên tắc này: sức mạnh của sự cám dỗ đã tiếp thêm sức mạnh cho ước muốn tội lỗi về ngoại tình. Khi ước muốn tội lỗi này được thêm sức mạnh, thì sức mạnh của sự cám dỗ cũng cứ không ngừng gia tăng cho đến chừng cả hai kết hợp để thúc đẩy một người phạm tội ngoại tình. Đây không phải là sự kiện bất ngờ. Nhưng nó xảy ra theo một quá trình, một quá trình đã xảy ra nhiều năm trước khi hành động phạm tội được thực hiện. Nói chung, quá trình này xảy ra như sau. Sau nhiều năm sống đời sống hôn nhân, một trong người bị cám dỗ sống không chung thủy. Sự cám dỗ lần đầu tiên này tìm được sự đáp ứng bởi vì nó có vẻ hấp dẫn đối với ước muốn tội lỗi đã có sẵn trong lòng.

Sự cám dỗ lần đầu tiên này tìm được sự hưởng ứng, nhưng tâm linh thì phần nào đó chống trả lại. Có thể người đó cảm thấy sốc khi thấy mình suy nghĩ làm một việc như thế. Sự cám dỗ bị chống trả lại. Cho dù sự cám dỗ đã bị chống trả, nó đã bước vào trong lòng và bắt đầu công việc làm gia tăng ước muốn tội lỗi để phạm tội. Sự cám dỗ nuôi dưỡng ước muốn đó bằng nhiều cách khác nhau. Và như thế ước muốn đó càng ngày càng lớn lên. Kết quả là sự cám dỗ thật sự bên ngoài cũng lớn lên. Sau một thời gian, ước muốn tội lỗi trở nên mạnh mẽ đến nỗi nó chỉ cần cám dỗ đem đến cho nó một cơ hội thuận tiện và như thế là hành vi tội lỗi sẽ được thực hiện.

Chỉ có một cách thỏa đáng duy nhất để chống trả lại sự cám dỗ. Đó là giải quyết trực tiếp với những ước muốn tội lỗi mà sự cám dỗ nhắm vào để tiếp sức. Ngay khi chúng ta nhận ra một ước muốn tội lỗi, cho dù đó là tham vọng, kiêu ngạo, làm theo thế gian, ô uế hay bất cứ cái gì khác, thì chúng ta phải làm cho chết đi ước muốn đó. Sự lựa chọn là đây: hoặc là ước muốn tội lỗi đó phải chết hoặc linh hồn phải chết.’

 

hay bi troi buoc

Hay được tự do mãi mãi nhờ đức tin nơi Chúa

Thứ hai :

Chúng ta cũng phải xem xét đến khía cạnh khác đó là công việc của sự cám dỗ ảnh hưởng đến cả linh hồn chứ không chỉ đối với ước muốn tội lỗi mà nó muốn lợi dụng. Chúng ta có thể minh họa điều này bằng cách trở về với ví dụ trước đây. Khi sự cám dỗ phạm tội ngoại tình lần đầu tiên đến với một Cơ đốc nhân thì lý trí của người đó sẽ bảo rằng phải chống trả lại sự cám dỗ đó. Nhưng một khi cám dỗ đã tìm được lối vào trong lòng, thì nó vẫn tiếp tục tác động đến lý trí người đó. Khi lý trí được lương tâm kiểm soát thì nó chống lại cám dỗ. Tuy nhiên, khi lý trí bị ước muốn tội lỗi kiểm soát thì nó tạo điều kiện cho cám dỗ. Khi ước muốn tội lỗi trở nên mạnh hơn, thì bằng cách này hay cách khác nó sẽ cuốn cả linh hồn theo với nó.

Một lần nữa, chúng ta cần lưu ý quá trình diễn ra. Đầu tiên lý trí do tiếng nói của lương tâm hướng dẫn sẽ chống trả lại sự cám dỗ. Nhưng khi cám dỗ đã vào trong lòng, thì  chúng ta thấy rằng lý trí sẽ làm việc ngày càng nhiều để tạo điều kiện cho sự cám dỗ đó. Chỉ một thời gian sau, cái lý trí mà trước đây không thể nào dung chịu tội lỗi như thế thì nay, chậm nhưng chắc chắn,  lại bắt đầu vui hưởng khoái lạc mà tội này có thể đem lại. Lý trí từng bước bị chiếm dụng để xua đuổi đi sự kinh khiếp và sợ hãi về tội lỗi. Cuối cùng lý trí khuyến khích và biện minh cho chính tội mà trước đó nó không thể nào dung chịu. Thật kinh khủng khi nghĩ về sức mạnh của cám dỗ khi nó làm hư hỏng lý trí để đạt được những mục đích xấu xa của nó.

Học từ kinh nghiệm của chính mình.

Chúng ta nên luôn luôn học từ kinh nghiệm của chính mình và của người khác. Kinh nghiệm của bạn về sự cám dỗ trong quá khứ dạy cho bạn điều gì? Có phải nó dạy cho bạn rằng cám dỗ đã làm vẩn đục lương tâm của bạn, làm hỏng đi hay cướp mất đi sự bình an của bạn, làm cho bạn trở nên yếu đuối trong sự vâng lời và nụ cười của Chúa không còn thấy trên đời sống bạn không? Có thể cám dỗ đã thất bại khi không thể thuyết phục bạn chìu theo ước muốn tội lỗi nào đó. Ngay cả như vậy, chẳng phải nó đã để lại dấu vết dơ bẩn của nó trong lòng bạn và gây ra biết bao đau đớn sao?

Tất cả chúng ta đều thừa nhận rằng hiếm có khi nào chúng ta thoát ra khỏi được cám dỗ mà không chịu mất mát nào đó trong đời sống tâm linh. Nếu đây chính là kinh nghiệm của bạn, liệu bạn có sẵn sàng để cho mình bị vướng vào cám dỗ nữa không? Nếu bạn đang vui hưởng sự tự do thoát khỏi cám dỗ, hãy hết sức cẩn thận để không vướng vào cám dỗ một lần nữa nếu không thì nhiều điều tồi tệ hơn có thể sẽ đến với bạn.

Satan chỉ có một mục tiêu duy nhất trong việc cám dỗ con người. Trong mọi cám dỗ mục tiêu cuối cùng là làm ô danh Chúa và hủy hoại linh hồn chúng ta. Bạn có dám khinh lờn cám dỗ hay đùa giỡn với nó khi biết mục đích của nó là gì không? Bạn có thật sự tin hậu quả do cám dỗ đem lại đối với danh Chúa và đối với chính bạn không? Vậy với lòng biết ơn Chúa hãy sử dụng những phương tiện Chúa ban cho bạn để làm thất bại mưu chước của satan trong việc cám dỗ bạn.

Tiếng Gọi Trong Đêm – tintuc@hoithanh.com
{chronocontact}tin_chua_online{/chronocontact}
Bình Luận:

You may also like